Thứ Năm, 21 tháng 6, 2018

MỘT PHẬT ĐẢN KHÔNG THỂ NÀO QUÊN

Phú Nepal: Nhân dịp Phật Đản 2018 ( PL. 2562) xin post lại bài bút ký về Lễ Phật Đản 2010 tại Lumbini. (đã đăng trên Nguyệt san Giác Ngộ 06/2010)

*****************

      Năm năm trước (2005), tôi rời Lumbini sau khi làm công quả và công tác thiện nguyện tại đây mà lòng buồn bã; không biết có còn dịp trở lại nơi chốn đã làm thay đổi toàn bộ đời tôi. Tôi đã chọn Kathmandu, thủ đô của Nepal, làm nơi dừng chân để học tiếp Phật Pháp và  nghiên cứu lịch sử  họ  Sakya từ chính những người Sakya (Thích Ca) cũng chính là vì muốn có thể trở lại Lumbini bất cứ khi nào.
Hơn 3 năm nay tôi chuyên vẽ về đề tài Đức Phật. Là quê hương của Đức Phật, hơn nữa tại đây còn có một cộng đồng Sakya (Thích Ca) đông đảo sinh sống - những người mà tay nghề vẽ và điêu khắc Đức Phật vào hàng bậc nhất trên thế giới, nên khẳng định một vị trí là điều không dễ dàng. Tôi đóng cửa lặng lẽ làm việc, bỏ qua tất cả mọi thứ để chuyên chú vào đề tài của mình. Thầy Bổn sư của tôi dạy rằng:” “Vẽ tranh chính là Thiền, nhất là vẽ tranh Phật. Tập trung vào Niệm (Sati) cho đến khi “thấy” Đức Phật.” Từ những hình ảnh tưởng tượng,  chủ đề này dần trở thành cụ thể gần như có thể cảm thấy bằng năm giác quan, cho đến một đêm cách đây hơn ba tháng, tôi mơ thấy Đức Phật. Tỉnh giấc lúc 3 giờ sáng, tôi vội vàng vẽ lên tấm voan trắng hình ảnh mình vừa mơ thấy, sợ rằng nó sẽ tan biến mất. Chỉ trong 5 giờ đồng hồ, tôi đã hoàn thành bức tranh “Light of Asia” (Ánh sáng Á châu), bức tranh tôi ưng ý nhất trong tất cả những bức tôi đã vẽ về Đức Phật, và khi trưng bày thì mọi người cũng đồng ý rằng đó là bức tranh đạt nhất của tôi. Dường như Đức Phật độ trì, nên sau khi hoàn thành “Light of Asia”, Lumbini Development Trust  - LDT (*)  chính thức chọn tôi làm họa sĩ đầu tiên triển lãm tranh Phật tại Sacred Garden (Khu Vườn Thiêng nơi Đức Phật Thích Ca đản sinh) ở Lumbini nhân dịp Phật Đản 2554 (27/05/2010). Đây là một vinh dự không thể nào mơ tới của tôi. Ngoài việc được công nhận một vị trí trong giới vẽ tranh Phật ở Nepal và India, chỉ riêng việc được trưng bày tranh Phật tại nơi Phật đản sinh trong ngày Phật Đản đã là một phước duyên không thể nào đo lường được với tôi.

Tác giả bên bức Light of Asia