ĐỀ DẪN CHO BẢN DỊCH 2020
Cuối năm 2014, tôi có may mắn viếng thăm Satyagraha Ashram * (thường được
biết như “Nhà Gandhi”) ở Ahmedabad, India. Thật xúc động khi đi trên những lối
nhỏ trong khu vườn yên tĩnh nơi đã từng đón nhận những bước chân trầm tư của
Gandhi trăm năm trước. Được tận mắt nhìn thấy cái guồng quay sợi nổi tiếng, những
di vật giản dị cũ kỹ của người đàn ông bé nhỏ vĩ đại, những văn bản về bất bạo động
của người hai tay không mà lật đổ cả chế độ thực dân vững chắc. Tôi cũng đã ngồi
ở cái nơi mà gần trăm năm trước các đồng đạo của Gandhi đã quây quần mỗi sáng để
nghe ông bình giải về Gita, được nhận lấy ngọn gió mát lành từ con sông Sabarmati sau nhà thổi tới
như một lời chúc phúc.
Nơi Gandhiji bình giải Gita mỗi buổi sáng cùng các đồng đạo
Bhagavad Gita ( tiếng Sanskrit: भगवद् गीता,
nghĩa tiếng Anh là "The Song of God"), là phần 700 câu tụng ca Hindu của sử thi Mahabharata (chương
23–40), được xem là có niên đại vào thế kỷ thứ hai trước Công nguyên. Gita là
cuộc đối thoại giữa hoàng tử Pandava Arjuna và người cố vấn Krishna, một hoá
thân của thần Vishnu. Khi trận chiến kinh thiên động địa bắt đầu giữa hai thân
tộc Pandavas và Kauravas lãnh đạo xứ Ấn Độ bấy giờ, Arjuna cảm thấy mất phương
hướng vì một nghịch lý: đời sống đạo đức mà anh hướng tới và bạo lực chết chóc sẽ
gây ra trong cuộc chiến chống lại thân nhân của mình. Arjuna tìm kiếm lời
khuyên của Krishna, và bài diễn thuyết trả lời của Krishna chính là phần được gọi
là Bhagavad Gita.
Ở Việt Nam, từ lâu Bhagavad Gita thường được biết với tựa đề “Chí Tôn Ca”, (một cách dịch không thể tuyệt vời hơn giống như dịch Upanishas là Áo Nghĩa Thư - NP). Người ta thường gọi tắt Chí Tôn Ca là Gita (tụng ca) bởi nó được viết bằng thể thơ ca tụng đã trở thành kinh điển cho tụng ca của xứ Ấn suốt mấy ngàn năm qua. Đối với người Ấn Độ giáo, Gita chính là một thánh kinh sáng suốt nhất hướng dẫn đời sống tâm linh, một tác phẩm triết học sâu sắc và là một cuốn sách truyền cảm hứng đáng tin cậy nhất.
Bhagavad Gita là tụng ca phổ biến nhất (cả văn bản và khẩu truyền)
trong thế giới Ấn Độ giáo. Không thể hiểu Ấn Độ giáo nếu chưa tìm hiểu qua Bharavad
Gita, và lại càng không hiểu xứ Ấn và người Ấn nếu không có chút khái niệm nào
về Gita. Vào thời kỳ phong trào đòi độc lập của Ấn Độ bùng nổ, lời chỉ dạy phải
hành động quên mình vì nhân dân và Tổ quốc của Chí Tôn Ca đã trở thành kim chỉ
nam dẫn đường cho nhiều lãnh đạo Ấn Độ như M.K. Gandhi, Pattel, Neru…
Trong khoảng thời gian an trú từ tháng 2 đến tháng 11 năm 1926 tại Satyagraha Ashram ở Ahmedabad, Gandhi đã dành nhiều thời gian và sức lực để dịch Gita từ tiếng Sanskrit sang tiếng mẹ đẻ Gujarati. Hàng ngày, sau buổi cầu nguyện buổi sáng, Gandhi sẽ cùng thảo luận và bình giải về Gita với nhóm đồng đạo của mình. Chính Gandhi đã từng viết và xuất bản những bình luận của mình trong thập niên 1920-1940 về Gita như "Luận Giải về Gita" (Discourses on Gita) , chương "Thông Điệp của Gita" (The Message of the Gita) trong tác phẩm "Chân Lý là Thượng Đế" (Truth is God) và những bình luận khác nằm rải rác trong các trước tác của ông. Ngoài ra, trong số những người thân cận sát cánh với Gandhi có Mahadev Desai, một học giả uyên thâm. Mahadev đã cố gắng ghi lại và biên tập những bình luận của Gandhi về Gita, và sau ngày ông mất Gandhi đã xúc tiến xuất bản tác phẩm thường được biết là “Gita according to Gandhi” của M. Desai.
Tôi đã may mắn mua được cả Chí Tôn Ca bản tiếng Anh và bản tiếng Gujarat do Gandhi dịch và một số sách khác của Gandhi, cùng với quyển Gita according to Gandhi tại quầy sách bên trong Satyagraha Ashram. Nghiên cứu, chiêm nghiệm tất cả (trừ bản tiếng Gujarat vì không biết tiếng Gujarati) suốt hơn 5 năm qua để có thể tiếp cận với tâm hồn Ấn Độ. Nay tôi bắt đầu đăng tải phần chuyển ngữ Chí Tôn Ca - Gandhi Bình Giải bao gồm các luận giải về Gita của Gandhi cùng với quyển Gita According to Gandhi của M. Desai, để giúp mọi người có được phương tiện tiếp cận với cái gọi là "hồn cốt của Ấn Độ" , nhằm dễ dàng tiếp đón Thế Kỷ Ấn Độ đang bước đến. Tôi chỉ mong góp được một vài viên đá lát đường cho ngành Ấn Độ Học - Indology của Việt Nam qua những công việc nhỏ bé này. Tuy tham vọng quá lớn nhưng sở học nông cạn, tôi mong quý vị thể chấp bỏ qua những sai sót và chỉ bảo thêm cho tôi về bản dịch này.
Trân trọng.
Nguyễn Phú
(*) Chú thích: cái tên Satyagraha do chính Gandhi nghĩ ra và đặt cho nơi an trú
của mình khi quyết định chọn Ahmedabad làm bản doanh cho cuộc đấu tranh bất bạo
động đòi quyền độc lập cho India vào năm 1915.
Satyagraha là từ ghép từ hai từ Sanskrit gồm Satya = chân lý và Agraha =
giữ vững. Vậy, nơi ở của Gandhi chính là tuyên bố “Giữ Vững Chân Lý” của ông như
câu nói của chính ông “Đời tôi là thông điệp của tôi – My life is my
message.”