Chủ Nhật, 2 tháng 7, 2017

TRANH DÂN GIAN MITHILA - TÂM HỒN THƠ MỘNG (2)


Khai bút Mùng Một Năm Mậu Tuất 2018
Giống như thần thoại là phóng chiếu những ước mơ của con người, tranh Mithila là phóng chiếu những tưởng tượng của người Mithila một cách hồn nhiên và thơ mộng nhất. NP
    
___________________

Đám cưới Rama và Sita - Tranh dân gian Mithila
      Tôi ra đến bến xe Gongabu – bến xe mới lớn nhất của Kathmandu vào lúc 7 giờ sáng một sớm đầu Đông 2006. Ba ngày trước lễ hội Vivah Panchami- kỷ niệm đám cưới của Ram và Sita, khoảng tháng 11 Tây lịch. Quầy vé bán cho tôi một vé đi Janakpur với giá khoảng 3USD có ghi số xe, số ghế đàng hoàng. Quảy chiếc ba lô chỉ vỏn vẹn 2 bộ đồ, một hộp bánh và chai nước, tôi đi tìm số xe và leo lên một chiếc xe bus đường dài trang trí sặc sỡ như tất cả mọi chiếc xe ở Tiểu Lục Địa. Xe có hai dãy ghế, mỗi hàng 3 ghế có trùm ghế bằng vải cotton dày màu vàng. May cho tôi, số ghế của tôi ở sát cửa sổ, vị trí tôi thích ngồi dù là đi máy bay hay xe đường dài để ngắm cảnh thoải mái. Ngồi chờ khoảng nửa tiếng thì có một đôi vợ chồng già người Nepal lên ngồi cạnh tôi. Họ chừng trên dưới 70 nhưng nhìn cái cách người đàn ông ân cần, chăm chút từng ly từng tý cho bà vợ giống như một đôi uyên ương mới cưới làm tôi vô cùng ngưỡng mộ. Người đàn ông mặc quốc phục của người Nepal: nguyên bộ áo dài tay (tapalan) -quần túm ống (suruwa) bằng vải cotton trắng, ngoài khoác một gilet đen, đầu đội nón topi đen, Người phụ nữ dĩ nhiên vận bộ sari đỏ - trang phục của hàng trăm triệu phụ nữ khắp Nam Á. Với tính tình cởi mở của cả người Nepal và dân Nam Bộ, chúng tôi mau chóng làm quen với nhau. Ông bà họ Thapa (một họ thuộc giai cấp quý tộc Nepal), ông từng làm công chức cấp cao, đã nghỉ hưu và lần này họ xuống Janakpur để coi mắt cô gái họ định cưới cho con trai của họ đang ở Anh Quốc. Biết ý nguyện của tôi muốn thăm viếng và tìm hiểu quê hương của Janaki (“con gái vua Janaka”), ông Thapa hứa sẽ nhờ người địa phương giúp tôi. Đúng là duyên lành.
  Khoảng 8am, xe kín chừng 70% số ghế thì đến giờ lăn bánh; xe bus xe đò ở Nepal chấp hành “giờ lăn bánh” rất nghiêm túc, còn sau khi xe đã ra khỏi bến thì chạy nhanh chậm, dừng đỗ thế nào là tuỳ tài xế. Quả nhiên, sau khi bò một cách chậm rãi ra khỏi bến xe, chiếc xe đò lừ lừ bò đến ngã tư vành đai và nằm đó thêm gần 1 tiếng đồng hồ để bắt thêm khách cho đến khi kín cả hàng ghế phụ mà phụ xe rải giữa hai hàng ghế chính nó mới chính thức bắt đầu cuộc chạy nước rút về Janakpur. Thời chiến tranh loạn lạc nên cứ chừng 30-40km là có một trạm lính chặn đường. Xe phải dừng để toàn bộ hành khách xuống xe đi bộ vào trạm để xét từng người một, vài anh lính leo lên xe coi xét cẩn thận hành lý xem có bom mìn vũ khí gì không rồi chiếc xe mới chạy qua trạm gác quá 20 mét. Lúc ấy hành khách mới lục tục leo lên xe. Tài xế nhấn hết ga trên đoạn đường rất ít xe cộ giữa hai trạm gác để rồi chu kỳ ấy lại lặp lại sau 30-40km. Thế nên, đến quá Ngọ xe mới đi hết đoạn 100km đèo dốc hiểm trở xuyên qua dãy Terai để đến khu vực Vườn Quốc Gia Chitwal hai bên là rừng rậm diện tích hơn 1000km vuông. Không khí trên xe trở nên căng thẳng, không một ai trò chuyện, nói năng, tài xế nhấn hết ga chạy vùn vụt trên đường quốc lộ Đông - Tây (East-West Highway) vắng lặng các phương tiện xe cộ chỉ có các nhóm quân lính mặc đồ rằn ri đi tuần tiễu hai bên đường. Đây là khu vực quân đội Maoist hoạt động mạnh mẽ nhất; nếu gặp xe dân sự thì chặn lại cướp hết tư trang tiền bạc, nếu thấy xe quân sự thì tấn công tiêu diệt sạch đến người cuối cùng. Tôi vẫn còn nhớ thi thoảng bên vệ đường là những chiếc xe cháy đen trơ khung rất ám ảnh.
Ra khỏi khu vực Chitwal, không khí trên xe mới chùng lại, gương mặt những người Nepal giãn ra. 

  Còn cách Janakpur tầm 50km, xe đột nhiên dừng lại. Lúc ấy đã hơn 4 giờ chiều. Phụ xe đi dọc thành xe nói lớn bằng tiếng Nepal điều gì đó và mọi người lục tục xuống xe. Tôi cũng xuống theo và ngơ ngác hỏi ông Thapa chuyện gì xảy ra. Ông chỉ về phía trước hướng có một cột khói đen lừng lững bốc lên trời cao và nói rằng cây cầu qua sông mới vừa bị đánh bom, xe không thể đi tiếp. Đây là một con sông nhỏ, một trong hàng nghìn nguồn nước đổ về sông Hằng ở Ấn Độ phía dưới. Lúc ấy đang là mùa khô, lòng các con sông ở vùng Terai cạn khô trơ đáy, toàn cát trắng và đá cuội, trong khi vào mùa mưa dòng nước hung hãn đẩy hai bờ cách nhau hàng trăm mét. Ông Thapa bảo tôi rằng hoặc tôi có thể chờ ở đây khi quân đội kiểm tra kỹ lưỡng xong họ sẽ dẫn đường cho xe chạy băng qua lòng sông và hành khách sẽ đi bộ qua bên kia mà đi tiếp tới Janakpur trong đêm. Hoặc tôi có thể đi với vợ chồng ông đến nghỉ ở một nhà người quen của ông ở gần đây rồi sáng mai sẽ vào Janakpur cùng vợ chồng ông. Nghĩ đến cảm giác căng thẳng khi chờ đợi không biết đến bao giờ rồi lại phải mạo hiểm đi trong đêm giữa vùng chiến sự, tôi không thể từ chối tấm thịnh tình của người đồng hành mới quen. Quẳng ba lô lên thùng chiếc xe bò mà ông Thapa vừa xin đi nhờ vào làng, tôi leo lên ngồi vắt vẻo sau thùng xe dấn thân vào một chuyến đi bất ngờ trong tiếng lục lạc bò âm vang như cố níu kéo những tia nắng cuối cùng của chiều đông lạnh.
  Tôi đã ngẫu nhiên đến làng Mithila nổi tiếng bằng chiếc xe bò trong ánh sáng bập bùng của một ngọn đuốc giống như vô tình rơi vào cỗ máy thời gian trở về vương quốc Mithila nhiều nghìn năm trước. Không còn có sự chuẩn bị tâm lý nào tốt hơn để tôi có thể đón nhận một cách tuyệt diệu di sản nghệ thuật thơ mộng nhất toàn cõi Ấn Độ. 
Ân phước đã đến với tôi một cách bất ngờ nhất như thế đó.
 _______________