Thứ Ba, 22 tháng 9, 2015

CÔ DÂU 8 TUỔI và HÔN NHÂN KIỂU ẤN

 Khán giả Việt vẫn còn chưa hết sốt  bộ phim truyền hình của India "Cô Dâu 8 tuổi" dù đã sang đến tập 45- phần 4 (khoảng 400 tập phim đã chiếu cho đến nay; và nghe đâu phía sản xuất vẫn đang cho ra lò đều đặn sau 2800 tập đã chiếu trên truyền hình India). Dù là người cuồng văn hoá Ấn, nhưng tôi vẫn không đủ kiên nhẫn để theo dõi các tập phim được làm theo kiểu "masala" chỉ sử dụng kỹ thuật zoom và pan từ gương mặt này qua gương mặt khác. Ngược lại, bà xã tôi thì dù không thích thú cho lắm khi thăm viếng India lại cứ dính chặt vào kênh TodayTV từ 8pm đến 10pm mỗi tối bất chấp tất cả bão giông, nước lụt cả "Thành Hồ" vẫn phải lặn lội về xem không sót tập nào hi hi hi :)
  Hôn Nhân là rất quan trọng trong văn hoá Ấn. Nam nữ sống chung không hôn nhân-lễ cưới là điều không thể chấp nhận đối với xã hội Ấn. Người Ấn gọi hôn nhân là Vivāha (Sanskrit) hoặc Vivaah (Hindi: विवाह) và nó được xem là một thánh lễ kết nối suốt đời người vợ và chồng, không thể phá bỏ vì các lý do trần thế.  Xin mạn phép điểm qua những hình thức hôn nhân của người Ấn để các bạn tham khảo và có thể cảm thấy thú vị thêm khi hiểu về phong tục cưới xin Ấn Độ trong lúc xem những bộ phim Ấn.

1/ BRAHMA VIVAAH: là hình thức hôn nhân xếp cao nhất với chàng trai và cô gái ở cùng một đẳng cấp, xuất thân trong những gia đình tốt (giai cấp cao, địa vị cao, giàu có, có học vấn...). Chàng trai nhất thiết phải hoàn thành Brahmacharya asrama , tức phải đến thọ giáo và ăn ở tại nhà một đạo sư (guru) Hindu từ lúc 5-8 tuổi cho đến khi trưởng thành 20-25 tuổi (thời hiện đại thì phải hoàn thành phổ thông hay tốt nhất là đại học). Suốt thời gian đó, chàng trai phải sống độc thân, học và hành Dharma ( nguyên tắc sống đúng đắn trong đời). Dharma dạy người ta phải có trách nhiệm với chính anh ta, với gia đình, xã hội, nhân loại và Thần Linh (bao gồm cả môi trường, trái đất và thiên nhiên). Điều hay ho của hình thức hôn nhân này là đàng trai sẽ không đòi hỏi của hồi môn từ phía đàng gái; cô dâu chỉ việc mang theo vài bộ quần áo và trang sức của cô về nhà chồng. Lý do của việc này được giải thích bằng nghi thức Kanyadaan (Kanya = cô gái đồng trinh; Daan = quà tặng) trong hôn lễ.
Nghi thức này là cao trào của hôn lễ diễn ra bằng hình thức cha cô dâu sẽ cầm tay phải của cô trao tặng vào tay phải của chú rể trong khi mẹ cô dâu rót nước thiêng vào lòng bàn tay họ. Trong khi các thầy cúng Hindu đọc kinh  thì cha cô dâu yêu cầu chú rể hứa rằng chàng phải cùng với con gái ông ta theo đuổi để đạt được 4 mục tiêu tối thượng của một người Hindu là : Dharma (đời sống đạo đức),  Artha (sự thịnh vượng, sung túc) , Kama (lạc thú trần gian) và Moksa (sự thăng hoa của tâm linh).

Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2015

UPANISHAD-- MINH TRIẾT ẤN ĐỘ

Có một khổ thơ ám ảnh tôi suốt hơn 25 năm nay, ngay từ lần đầu tiên đọc được những câu chữ huyền ảo ấy vào những ngày tháng cuối ở trường đại học.

    “Ở đó mặt trời không soi sáng, mặt trăng không lộng lẫy, ngàn sao hoá mù loà;
  ở đó những làn chớp này không bừng lên mà cũng chẳng có thứ lửa trần nào.
    Bởi mọi cái rực rỡ đều chỉ là bóng mờ sự rực rỡ của nó mà chính nhờ ánh sáng mà mọi cái này phát sáng.”

  Đây là khổ thứ 10 trong chương II của Mukunda Upanishad được dịch sang tiếng Việt bởi Thạch Trung Giả từ bản dịch sang tiếng Pháp của ông Jean Herbert theo bản dịch từ Sanskrit sang tiếng Anh của Đạo sư Aurobindo. Bản này được NXB An Tiêm xuất bản năm 1972; ngày nay đã trở thành quý hiếm vì hầu như không thể tìm kiếm (tôi đã nhờ nhiều chủ tiệm chuyên buôn bán sách cũ trước 1975 ở Saigon tìm giúp và sẵn lòng mua lại với giá cao từ bốn năm nay, nhưng không có kết quả).  

Bản tiếng Anh do Đạo sư  Swami Krishnananda dịch từ bản văn Sanskrit như sau:

Mantra No. 10: There the sun does not shine, nor the
moon and the stars; nor even these lightnings; what to
speak of this fire; everything shines after Him who shines.
By His light this whole universe is illuminated.
SECOND KHANDA – SECOND MUNDAKA
Translated to English by Sri Swami Krishnananda

Áo Nghĩa Thư – kinh thư có nghĩa lý uyên áo- là một danh từ thông dụng của những nhà Phật học Việt Nam dịch nghĩa từ Upanishad của Ấn Độ. Đây là một cách dịch hoàn hảo bởi đã đạt được sự hợp nhất giữa cách dịch nghĩa từ Upanishad và phiên âm theo chữ Hán.
Lời tựa của Thạch Trung Giả giải thích rằng: Ấn Độ có ba dòng lớn về Triết Đạo là Bà-la-môn giáo [Hindu], Kỳ-na giáo [Jain] và Phật giáo. Trong lòng Bà-la-môn giáo lại có sáu phái mà quan trọng nhất là hai phái Số luận (Sâmkhya) và Vệ-Đàn-Đà (Védânta) nghĩa là Viên thành Vệ Đà. Theo đa số người Ấn và các học giả trên thế giới thì Vệ Đàn Đà được coi như tiêu biểu cho tư tưởng Ấn Độ, là cái phần tinh tuý nhất mà văn hoá Ấn Độ cung hiến cho nhân loại.

Thứ Tư, 16 tháng 9, 2015

NGƯỜI ẤN ĐỘ ĐANG ĐIỀU HÀNH THẾ GIỚI - Phần 1

Ngày 11/08/2015 cả thế giới lại trầm trồ khi nghe tin Tập đoàn công nghệ Google bổ nhiệm một người Nam Ấn làm CEO. Sundar Pichai là cái tên người Ấn nối tiếp theo một loạt những người Ấn trước đó trở thành các CEO cho các tập đoàn hàng đầu thế giới, và có lẽ chưa phải là cái tên cuối cùng.
 Sau đây là những người Ấn đang điều hành thế giới hiện đại của chúng ta: 


......................................................................................

1. Sundar Pichai – Google

Tên đầy đủ của ông là Pichai Sundararajan, thường gọi là Sundar Pichai. Pichai xuất thân từ một gia đình khiêm tốn ở Chennai, bang Tamil Nadu , Nam Ấn Độ. Điều đáng ghi nhận là Pichai học từ vỡ lòng đến Kỹ sư hoàn toàn tại Ấn Độ rồi mới sang Mỹ học sau đại học và đầu quân cho Google vào năm 2004. 11 năm sau, Pichai đã trở thành CEO của chính tập đoàn này; một quá trình thăng tiến đáng ngưỡng mộ.
 

2. Indra Nooyi – PepsiCo

Được tạp chí Fortune xếp là “Người Phụ Nữ Quyền Lực Thứ Ba” trong thế giới kinh doanh năm 2014, Indira Nooyi không phải là người xa lạ với thế giới. Người phụ nữ Ấn này đã gây shock thế giới vào năm 2006 khi chính thức trở thành CEO của tập đoàn Pepsi, mở đầu cho làn sóng CEO Ấn Độ tại các tập đoàn hùng mạnh trên thế giới. Trước đó bà từng đảm nhiệm các chức vụ quản trị cao cấp tại các tập đoàn hàng đầu thế giới như: Johnson & Johnson, Mettur Beardsell, Motorola. Điều thú vị là  Nooyi cũng xuất phát từ ”lò” học vấn Chennai như Sundar Pichai sau này.  

Thứ Hai, 14 tháng 9, 2015

10 PHONG TỤC HINDU PHỔ BIẾN CỦA NGƯỜI ẤN

Người ở ngoài thế giới Hindu  thường nhìn những phong tục của người Ấn Độ chủ yếu là mê tín dị đoan. Thực ra, các phong tục đó hình thành dựa trên một cơ sở khoa học có thể giải thích bằng khoa học hiện đại, mặc dù đa số người Ấn thường không biết tính khoa học của các phong tục này. Không phải ngẫu nhiên mà các phong tục này đã tồn tại và truyền trao qua nhiều thiên niên kỷ.
 ___________

1/ Chấp hai tay lại để chào đón: NAMASKAR – NAMASTE

Trong văn hóa Hindu, mọi người chào nhau bằng cách chấp bàn tay của mình vào nhau và nói: ". Namaskar" hay “Namaste”. Lý do chung của hành động này có nghĩa là tôn trọng. Tuy nhiên, về mặt khoa học, chấp cả hai tay với tất cả các ngón tay sát với nhau sẽ tạo thành một điểm tiếp xúc giữa mắt, tai, và tâm trí; kích hoạt các điểm thần kinh nhạy cảm để giúp chúng ta nhớ người đó trong một thời gian dài. Và quan trọng không kém về mặt vệ sinh là sẽ không có lây lan vi trùng, vi khuẩn khi hai người chào nhau vì không thực hiện bất kỳ tiếp xúc vật lý nào giữa hai người. Điều này rất quan trọng trong điều kiện vệ sinh ở Ấn Độ.

2/ Búi tóc sau đầu người đàn ông Hindu: SHIKHA
 
Người nam Hindu cũng thường cạo tóc, nhất là khi thực hiện việc hiếu, tang, hay cầu nguyện với thần linh điều gì đó. Tuy nhiên khác với người theo Phật Giáo cạo hết cả tóc trên đầu, người đàn ông Hindu khi cạo thì chừa lại túm tóc ở ngay điểm chính giữa bên trên gáy (thường là phần xoáy tóc). Điểm này là nơi nhạy cảm nhất của sọ người, gọi là Adhipati Marma, nơi tập trung tất cả các dây thần kinh. Trong Yoga, đây là luân xa thứ bảy Brahmarandhra, tượng trưng như hoa sen ngàn cánh. Đây là trung tâm của sự khôn ngoan. Các Shikha thắt nút (búi tóc trên đầu) giúp tăng cường trung tâm này và bảo tồn năng lượng tinh tế của nó (Ojas).

3/Chấm Tilak giữa trán
Trên trán, giữa hai lông mày, có một điểm từ thời cổ đại đã được coi như là điểm thần kinh quan trọng trong cơ thể con người . Người Ấn thường dùng màu đỏ chấm vào điểm này và gọi điểm màu đỏ ấy là “Tilak”. Người ngoài thế giới Hindu thường hiểu sai lầm rằng đó là một cách trang điểm của người Ấn. Thực ra, ý nghĩa của các Tilak phức tạp hơn nhiều. Tilak được cho là để ngăn chặn sự mất mát "năng lượng" của cơ thể con người, Trong khi đặt tilak màu đỏ lên trên khu vực giữa lông mày , luân xa Adnya-chakra được kích thích giữ lại năng lượng trong cơ thể con người và kiểm soát các cấp độ khác nhau của sự tập trung. Điều này cũng tạo điều kiện cho việc cung cấp máu cho các cơ mặt.

Thứ Bảy, 12 tháng 9, 2015

NAMASKAR INDIA!

Tại Buddhist Cave-Kanheri,
Sanjay Gandhi National Park, Mumbai, 

Tháng 9/2014
Kính chào các bạn thân mến!
India là một vùng đất mà tôi đã mơ về từ khi còn ấu thơ. Có lẽ ám ảnh bởi các bộ truyện tranh về cuộc đời Đức Phật Sakya. Có lẽ những mạch ngầm của văn minh India từ thời cổ đại thấm đẫm Phù Nam, Champa, Đại Việt giờ bắt đầu nảy mầm đón nắng. Hoặc cũng có lẽ , nói theo thuyết Samsara (luân hồi), có một linh hồn người Ấn đã phiêu bạt đến trời Nam.
 Ám ảnh ấy ngày càng đậm nét sau khi tôi được đọc " Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam" của Bình Nguyên Lộc. Lớn dần lên trong tôi một sự thôi thúc tìm về nguồn cội. Cơ duyên đã đưa đẩy để từ năm 2005 tôi đến được Nepal, một vùng đất ảnh hưởng sâu sắc văn hoá India. Chín năm ở Nepal đã cung cấp cho tôi những kiến thức cơ bản để có thể dấn bước trên con đường mà tôi đã chọn như là định mệnh của đời mình: tìm hiểu về văn hoá India.

  Tôi đã bắt đầu nghiên cứu về India song song với việc nghiên cứu Nepal từ những năm đầu tiên ở Tiểu lục địa India. Tuy vậy, mãi đến cuối năm 2011, khi tham dự Hội Nghị Phật Giáo Toàn Cầu lần 1 ở New Delhi tôi mới chính thức đi những bước đầu tiên vào việc nghiên cứu India. Chuyến đi thực tế kéo dài hơn tháng sau khi kết thúc Hội Nghị qua vùng bờ biển phía Đông và vùng Trung Ấn thăm viếng các di tích Sanchi, Kalinga, Khajuraho, Varanasi,Bodh Gaya... các tiểu bang Delhi, Uttar Pradesh, Bihar, West Bengal, Orissa, Madya Pradesh... đã làm cho tôi càng thêm choáng ngợp trước một nền văn minh kỳ vĩ. Kể từ đó, mỗi năm tôi đều có ít nhất hai lần đến India, mỗi lần ba bốn tuần kéo dài có khi đến gần hai tháng, để nghiên cứu thực tế India.