Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2015

UPANISHAD-- MINH TRIẾT ẤN ĐỘ

Có một khổ thơ ám ảnh tôi suốt hơn 25 năm nay, ngay từ lần đầu tiên đọc được những câu chữ huyền ảo ấy vào những ngày tháng cuối ở trường đại học.

    “Ở đó mặt trời không soi sáng, mặt trăng không lộng lẫy, ngàn sao hoá mù loà;
  ở đó những làn chớp này không bừng lên mà cũng chẳng có thứ lửa trần nào.
    Bởi mọi cái rực rỡ đều chỉ là bóng mờ sự rực rỡ của nó mà chính nhờ ánh sáng mà mọi cái này phát sáng.”

  Đây là khổ thứ 10 trong chương II của Mukunda Upanishad được dịch sang tiếng Việt bởi Thạch Trung Giả từ bản dịch sang tiếng Pháp của ông Jean Herbert theo bản dịch từ Sanskrit sang tiếng Anh của Đạo sư Aurobindo. Bản này được NXB An Tiêm xuất bản năm 1972; ngày nay đã trở thành quý hiếm vì hầu như không thể tìm kiếm (tôi đã nhờ nhiều chủ tiệm chuyên buôn bán sách cũ trước 1975 ở Saigon tìm giúp và sẵn lòng mua lại với giá cao từ bốn năm nay, nhưng không có kết quả).  

Bản tiếng Anh do Đạo sư  Swami Krishnananda dịch từ bản văn Sanskrit như sau:

Mantra No. 10: There the sun does not shine, nor the
moon and the stars; nor even these lightnings; what to
speak of this fire; everything shines after Him who shines.
By His light this whole universe is illuminated.
SECOND KHANDA – SECOND MUNDAKA
Translated to English by Sri Swami Krishnananda

Áo Nghĩa Thư – kinh thư có nghĩa lý uyên áo- là một danh từ thông dụng của những nhà Phật học Việt Nam dịch nghĩa từ Upanishad của Ấn Độ. Đây là một cách dịch hoàn hảo bởi đã đạt được sự hợp nhất giữa cách dịch nghĩa từ Upanishad và phiên âm theo chữ Hán.
Lời tựa của Thạch Trung Giả giải thích rằng: Ấn Độ có ba dòng lớn về Triết Đạo là Bà-la-môn giáo [Hindu], Kỳ-na giáo [Jain] và Phật giáo. Trong lòng Bà-la-môn giáo lại có sáu phái mà quan trọng nhất là hai phái Số luận (Sâmkhya) và Vệ-Đàn-Đà (Védânta) nghĩa là Viên thành Vệ Đà. Theo đa số người Ấn và các học giả trên thế giới thì Vệ Đàn Đà được coi như tiêu biểu cho tư tưởng Ấn Độ, là cái phần tinh tuý nhất mà văn hoá Ấn Độ cung hiến cho nhân loại.
Kinh điển nòng cốt của Vedanta là những bộ Upanishad.  Ý nghĩa của các Upanishad theo Thạch Trung Giả  là :” Những bộ này [Áo Nghĩa Thư] được xếp sau những bộ Vệ Đà nên được coi là Liễu Kết Vệ Đà hay Viên Thành Vệ Đà với hai nghĩa đen và bóng: nó được coi là rút tỉa tinh hoa của Vệ Đà, đào sâu mở rộng cái trực giác thần diệu nhất giữa nhiều trực giác ở Vệ Đà phong phú như cái mỏ. Đó là trực giác nhất nguyên luận hay thuyết nhất nguyên.”

  Tuổi của Upanishad, cũng giống như các văn bản cổ đại khác, thì không rõ ràng nhưng được ước đoán vào khoảng 800-450 BC, tức vào thời đại Đức Phật Sakya – thời đại vĩ đại nhất trong lịch sử India về mặt triết lý và sáng tạo. Suốt hơn 350 năm, mọi người ở India đã hướng về các triết gia, đạo sư; các thế hệ học sinh (người đi tìm chân lý) đã lặn lội đến nơi ẩn dật của các ẩn sĩ trong rừng sâu hay các đạo am lắng nghe, nghiền ngẫm và tranh biện những triết lý về Sự Sáng tạo, về Bản Chất Thế Giới và Vũ Trụ. Kết quả của cả một thời kỳ chiêm nghiệm và tranh biện ấy đã tạo nên Áo Nghĩa Thư. Số lượng chính xác các Upanishad thì không thể biết chắc, người ta chỉ có thể ghi nhận số Upanishad có thể có từ 108 đến 305. Các Upanishad phổ biến nhất là Aitareva Upanishad của Rig Veda; Kena và Chandogya Upanishad trong Sama Veda; Mandukya và Kaivalya Upanishad trong Atharvana Veda; Katha, Taittiriya, Brihadaranyaka và Svetasvatara Upanishad trong Yajur Veda.

Các Áo Nghĩa Thư thường thảo luận về bản chất của các cá thể và vũ trụ, mối quan hệ giữa cái Vĩ Mô và cái Vi Mô, Linh hồn, Sự Sống, Cái Chết , bản chất của các cái ấy, về Đấng sáng tạo, về Đại Ngã… Thời đại Upanishad ở India đã mang tới một hình thức mới về việc hỏi và đáp, cái đã tồn tại hầu như trong các cuộc tranh biện giữa các đạo sư và người cầu đạo từ xa xưa nhưng nay đã phổ biến khắp mọi nơi. Áo Nghĩa Thư mở rộng cho mọi giai tầng, giới tính bất kể xuất thân hay thân phận của người tìm hiểu. Tuy thế vì tính chất đặc thù vi tế của các khái niệm trao đổi nên chỉ có một số ít người có thể làu thông Áo Nghĩa Thư.

Quay trở lại Mukunda Upanishad.
Có thể nói ngày nay Mukunda Upanishad chính là Upanishad nổi tiếng nhất, phổ biến nhất trong kho tàng Upanishad của India. Vì sao?
 Vì India hiện tại đã chọn một câu trong đó để làm khẩu hiệu cho cả quốc gia: SATYAMEVA JAYATE, đặt trang trọng trong biểu tượng quốc gia. Satyameva Jayate có nghĩa là “SỰ THẬT LÀ CHIẾN THẮNG, KHÔNG PHẢI LÀ THẤT BẠI!”




  Tôi không thể giải thích được tại sao khi đọc cả quyển sách hơn 300 trang của Thạch Trung Giả chỉ có một khổ thơ ấy ám ảnh cả đời tôi. Tôi không thể giải thích tường tận ý nghĩa của khổ thơ ấy, chỉ duy có trực giác của tôi đón nhận lấy nó, in một dấu ấn không phai mờ lên tâm trí thanh xuân ngày ấy. Giờ có dịp tìm đọc bản tiếng Anh của chính khổ thơ đó, mới thấy rằng tài năng dịch của Thạch Trung Giả quả thật là trác tuyệt. Không chỉ chuyển dịch nghĩa mà lời thơ còn đẹp hơn, lung linh hơn cả bản dịch tiếng Anh. Những câu thơ ấy tạo nên một cảm nhận không thể nắm bắt về nơi chốn mà mọi linh hồn sẽ tìm đến. Để trở về Đại Ngã.

“Có hai con chim cùng đậu một cây, đẹp mã, làm bạn đồng lao, bằng hữu thiên cổ; mà một con thì ăn những quả ngon trên cây còn con kia không ăn nhưng ngắm bạn.

  Linh hồn nhân thế là con chim sống với Thiên Đế cùng trên một cội cây mà ham vị ngọt bùi nên mê lẫn quên mình, và bởi vì mất địa vị chí tôn nên phiền não và hoang mang ngơ ngác. Nhưng khi nhìn thấy chim kia là đấng Chủ Tể và Yêu Quý thì nó hiểu rằng tất cả cái này là vẻ cao cả của Người nên phiền não rời xa.” Đệ Tam Mukunda – Áo Nghĩa Thư.

Minh Triết Ấn Độ chính là Áo Nghĩa Thư.