Thứ Ba, 22 tháng 9, 2015

CÔ DÂU 8 TUỔI và HÔN NHÂN KIỂU ẤN

 Khán giả Việt vẫn còn chưa hết sốt  bộ phim truyền hình của India "Cô Dâu 8 tuổi" dù đã sang đến tập 45- phần 4 (khoảng 400 tập phim đã chiếu cho đến nay; và nghe đâu phía sản xuất vẫn đang cho ra lò đều đặn sau 2800 tập đã chiếu trên truyền hình India). Dù là người cuồng văn hoá Ấn, nhưng tôi vẫn không đủ kiên nhẫn để theo dõi các tập phim được làm theo kiểu "masala" chỉ sử dụng kỹ thuật zoom và pan từ gương mặt này qua gương mặt khác. Ngược lại, bà xã tôi thì dù không thích thú cho lắm khi thăm viếng India lại cứ dính chặt vào kênh TodayTV từ 8pm đến 10pm mỗi tối bất chấp tất cả bão giông, nước lụt cả "Thành Hồ" vẫn phải lặn lội về xem không sót tập nào hi hi hi :)
  Hôn Nhân là rất quan trọng trong văn hoá Ấn. Nam nữ sống chung không hôn nhân-lễ cưới là điều không thể chấp nhận đối với xã hội Ấn. Người Ấn gọi hôn nhân là Vivāha (Sanskrit) hoặc Vivaah (Hindi: विवाह) và nó được xem là một thánh lễ kết nối suốt đời người vợ và chồng, không thể phá bỏ vì các lý do trần thế.  Xin mạn phép điểm qua những hình thức hôn nhân của người Ấn để các bạn tham khảo và có thể cảm thấy thú vị thêm khi hiểu về phong tục cưới xin Ấn Độ trong lúc xem những bộ phim Ấn.

1/ BRAHMA VIVAAH: là hình thức hôn nhân xếp cao nhất với chàng trai và cô gái ở cùng một đẳng cấp, xuất thân trong những gia đình tốt (giai cấp cao, địa vị cao, giàu có, có học vấn...). Chàng trai nhất thiết phải hoàn thành Brahmacharya asrama , tức phải đến thọ giáo và ăn ở tại nhà một đạo sư (guru) Hindu từ lúc 5-8 tuổi cho đến khi trưởng thành 20-25 tuổi (thời hiện đại thì phải hoàn thành phổ thông hay tốt nhất là đại học). Suốt thời gian đó, chàng trai phải sống độc thân, học và hành Dharma ( nguyên tắc sống đúng đắn trong đời). Dharma dạy người ta phải có trách nhiệm với chính anh ta, với gia đình, xã hội, nhân loại và Thần Linh (bao gồm cả môi trường, trái đất và thiên nhiên). Điều hay ho của hình thức hôn nhân này là đàng trai sẽ không đòi hỏi của hồi môn từ phía đàng gái; cô dâu chỉ việc mang theo vài bộ quần áo và trang sức của cô về nhà chồng. Lý do của việc này được giải thích bằng nghi thức Kanyadaan (Kanya = cô gái đồng trinh; Daan = quà tặng) trong hôn lễ.
Nghi thức này là cao trào của hôn lễ diễn ra bằng hình thức cha cô dâu sẽ cầm tay phải của cô trao tặng vào tay phải của chú rể trong khi mẹ cô dâu rót nước thiêng vào lòng bàn tay họ. Trong khi các thầy cúng Hindu đọc kinh  thì cha cô dâu yêu cầu chú rể hứa rằng chàng phải cùng với con gái ông ta theo đuổi để đạt được 4 mục tiêu tối thượng của một người Hindu là : Dharma (đời sống đạo đức),  Artha (sự thịnh vượng, sung túc) , Kama (lạc thú trần gian) và Moksa (sự thăng hoa của tâm linh).
Sau khi nghi thức trao tay và các đoạn kinh đã được hoàn thành, từ lúc ấy trách nhiệm chăm lo cho cô gái sẽ thuộc về chú rể và nhà trai, cha cô dâu chính thức rời khỏi mọi quyền và trách nhiệm đối với con gái mình. Ý nghĩa tượng trưng của nghi lễ   này là làm cho chú rể hiểu rằng vợ anh ta là món quà quý giá nhất do thần linh ban tặng cho anh ta và cô dâu thì nghĩ rằng chồng cô ta chính là một hoá thân của thần linh.
Do tính chất cao thượng và tôn quý nên hôn nhân dạng Brahma Vivaah được xem như may mắn cho cả hai họ và cha mẹ cô dâu được xem như xoá hết mọi tội lỗi trong đời (về mặt tâm linh).


2/PRAJAPATYA VIVAAH:
Đây chính là cuộc hôn nhân của cô dâu 8 tuổi Anandi với anh chàng Jagdish ở phần 1 của bộ phim. Hình thức hôn nhân này cũng phải có đủ các điều kiện như Brahma Vivaah nhưng chỉ có điều cô dâu và chú rể vẫn còn ở tuổi chưa trưởng thành (tảo hôn). Dù vẫn phải trải qua đủ tất cả các nghi thức như Brahma Vivaah nhưng cô dâu và chú rể, do vẫn còn bé nên sẽ không chung sống như vợ chồng cho đến khi họ trưởng thành. Cha của chú rể sẽ thay thế chú mà nhận trách nhiện bảo vệ và chăm sóc cho dâu trong một nghi lễ gọi là Panigrahan; còn nghi lễ Kanyadaan sẽ thực hiện sau khi cả cô dâu và chú rể đã trưởng thành. Sau đó họ mới hoàn toàn là vợ chồng đúng nghĩa.
  Đến đây chúng ta sẽ hiểu tại sao mẹ của Jagdish lại lo lắng khi bắt gặp chàng tồ này bắt đầu tò mò và bị hấp dẫn bởi giới tính. Và tại sao Anandi phải gởi về sống ở nhà cha mẹ ruột một thời gian trước khi làm lễ cưới chính thức với nghi thức Kanyadaan cùng Jagdish.

3/DAIVA VIVAAH: Daiva có nghĩa là định mệnh, số phận trong tiếng Hindi. Đây là một hình thức hôn nhân xảy ra vào thời quân chủ ở Ấn Độ trước đây. Khi một người cha có con gái đến tuổi lấy chồng nhưng vì quá nghèo không thể cáng đáng nổi chi phí để làm lễ cưới cho con cũng như không có của hồi môn cho con ông ta có thể tiếp cận một vị vua, hoàng thân hay người giàu có nổi tiếng nào đó đang tiến hành những lễ tế tôn giáo hay từ thiện và đề nghị họ cưới không con gái ông ta. Cô gái sẽ phải kết hôn với bất kỳ người đàn ông nào có mặt trong lễ đó, người đồng ý lấy cô mà không đòi hỏi bất kỳ chi phí hay của hồi môn. Phong tục Ấn cố gắng tránh những cuộc hôn nhân kiểu này nhưng vẫn xem đây là cuộc hôn nhân đáng kính trọng và cha mẹ cô gái sẽ không bị đàm tiếu về sự không may hay nghèo túng thảm thương của họ.

4/ARSHA VIVAAH: Đây là hình thức hôn nhân chỉ diễn ra trong một số cộng đồng ở Ấn. Arsha trong tiếng Hindi có nghĩa là tự vệ. Hình thức hôn nhân này gia đình chú rể phải trả cho nhà gái trị giá của cô dâu bằng của cải hoặc tiền gọi là kanya-shulkam, và hầu như các chú rể đều sẵn lòng trả món tiền này. Văn bản cổ Ấn Độ có mô tả món tiền này trị giá bằng một con bò cái cộng một con bê và hai con bò đực. Tôi chưa rõ ý nghĩa của hình thức hôn nhân này, chỉ suy luận có thể đây là hình thức "tự vệ" , chống lấn lướt của nhà gái đối với nhà trai.                          
Trên đây là 4 hình thức hôn nhân được coi là phù hợp với tín ngưỡng Hindu. Còn bên dưới sẽ là 4 hình thức hôn nhân bị dèm pha trong xã hội Hindu:

5/ ASURA VIVAAH:  Asura có nghĩa là Quỷ, hay Dạ Xoa theo như cách dịch Hán Việt. Nguồn gốc của Deva v/s Asura Thiên thần>< Dạ Xoa thì sâu xa và phức tạp, xin đề cập trong một bài khác). Trong hình thức hôn nhân này, chàng trai là người bị cho là "không xứng" với cô gái ( về giai cấp, xuất thân, tài sản...) nhưng sẵn sàng tặng cho nhà gái rất nhiều tiền bạc, của cải. Mức độ tặng/cho của cải này là không giới hạn, miễn là chàng rể đủ sức gánh vác. Nó trái ngược với kiểu Arsha Vivaah là kiểu mà trị giá chỉ là vài con bò.

6/GANDHARVA VIVAAH: là kiểu hôn nhân giữa hai người nhưng không được sự ưng thuận của gia đình hai bên. Đây là cuộc hôn nhân giữa anh chàng Jagdish và cô bạn Gauri. Biết đến kiểu hôn nhân này các bạn sẽ hiểu tại sao Gauri phải đòi cho được sự ưng thuận và ban phúc của các thành viên trong nhà Jagdish. Nếu không, cuộc hôn nhân của cô và Jagdish sẽ là Gandharva Vivaah , cô và chồng sẽ bị mọi người trong xã hội Hindu khinh rẻ, ảnh hưởng đến cả con cái hai người sau này. Sức mạnh của tập tục trong xã hội Ấn thật là đáng sợ.

7/RAKSHASA VIVAAH: Khi cô gái muốn làm đám cưới với người mình yêu nhưng gia đình cô không đồng ý, chàng trai có thể bắt cóc cô và làm đám cưới với điều kiện duy nhất là cô đồng ý. Nếu cô gái không đồng ý thì đó là một vụ bắt cóc và hiếp dâm; trường hợp này ngay từ thời cổ đại đã cho phép gia đình cô gái được trả thù và đòi bồi thường danh dự. Tục này ngày nay vẫn còn tồn tại ở Bắc Ấn và Nam Nepal. Đã có vài trường hợp xảy ra việc giết cả cặp trai gái bỏ trốn cùng nhau để bảo vệ danh dự dòng tộc trong mấy năm gần đây.

8/PAISHACHA VIVAAH: Khi cô gái trong tình trạng mất ý thức, hôn mê hay bị đầu độc không điều khiển được hành vi và nhận thức mà bị ép buộc cưới gã thì cuộc hôn nhân này bị phong tục Hindu coi là bất hợp pháp và gọi là Paishasa Vivaah.