Thế giới có nhiều nền y học cổ truyền như Trung Quốc, Ai Cập... Nhưng một nên y học cổ truyền ảnh hưởng toàn bộ lên đời sống từ thức ăn, thức uống, sinh hoạt có lẽ chỉ có Ayurveda của Ấn Độ. Thức ăn đầy gia vị, chính là Ayurveda. Thức uống như một ly trà sữa thơm nồng gia vị cũng chính là Ayurveda. Chữa trị dĩ nhiên là đầy gia vị và thậm chí dùng gia vị để phòng ngừa bệnh tật thì đúng là Ayurveda.
Khó mà tóm tắt một truyền thống vĩ đại đã có vài ngàn năm lịch sử, tác giả chỉ mạn phép gom góp chút ít kiến thức thu nhặt tại Ấn Độ vào trong vài bài về chủ đề Ayurveda hầu bạn đọc. Mong quý bạn đọc hoan hỉ chỉ bảo nếu có gì sơ sót. Đa tạ. -
Nguyễn Phú
>>>>>>>>>>>>>>>
BÀI 1: TỔNG QUÁT
Ayurveda (tính từ là Ayurvedic) là nền y học cổ truyền của Ấn Độ mà nguồn gốc có thể lên đến 5000 năm tuổi. Nền y học độc đáo này tập trung nhiều hơn vào cuộc sống khỏe mạnh hơn là điều trị bệnh. Về mặt từ nguyên, Ayurveda là sự kết hợp của hai từ tiếng Phạn AYUR – SỰ SỐNG và VEDA – KIẾN THỨC ; nên có thể dịch Ayurveda là “ Kiến Thức Về Sự Sống”. Những ý niệm đầu tiên về Ayurveda được ghi nhận trong Athartaveda- một trong bốn bộ Veda chứa đựng toàn bộ trí tuệ và văn hoá của Ấn Độ cổ đại.
Ayurveda chia thành 8 chuyên ngành, gọi là ASHTANGAS:
1. Kaya Chikitsa (Nội Khoa): “Kaya” có nghĩa là cơ thể người sống. Điều trị này bao gồm tất cả các bệnh nằm trong cơ thể.
2. Shalya Tantra (Phẫu thuật): Mô tả về các thủ tục trước khi phẫu thuật, thủ tục chung, thủ tục sau phẫu thuật, gây mê và các điểm yếu. Phần này cũng mô tả về các loại băng, dụng cụ sắc nhọn, dụng cụ cùn và chỉ khâu.
3. Bhuta Vidya (Tâm thần): chữa bệnh tinh thần.
4. Shalakya Tantra (Điều trị các bệnh trên xương đòn): Đây là một nhánh của khoa tai mũi họng và nhãn khoa.
5. Agada Tantra (Độc chất): điều trị ngộ độc thực phẩm, rắn cắn, côn trùng cắn, chó cắn vv
6. Kaumarabhritya Tantra (Nhi khoa): sức khỏe và các bệnh liên quan đến trẻ em.
7. Vajikarana (Thanh lọc cơ thể): Các liệu pháp thanh lọc cơ thể như: massage, liệu pháp dầu, liệu pháp sữa, liệu pháp dược thảo…
8. Rasayana Tantra (Vệ sinh phòng dịch): phòng chống dịch bệnh và cải thiện khả năng miễn dịch và trẻ hóa.
Có ba văn bản Ayurveda chính là Charak Samhita, Sushrut Samhita và Ashtangha Hridaya Samhita. Sushrut Samhita, chứa đựng lời dạy của Sushruta (sư tổ Ayurveda của Ấn Độ) chứa 184 chương và mô tả của 1.120 bệnh, 700 cây thuốc, 64 chế phẩm từ nguồn khoáng sản và 57 nguyên liệu từ nguồn động vật. Charaka Samhita, được viết bởi Charaka được cho là tài liệu tham khảo kinh điển chính, cung cấp cho sự nhấn mạnh đến 3 đặc tính của mỗi người: thể xác, thần kinh và tâm thức. Tác phẩm thứ ba Ashtanga Hridaya thực chất là một phiên bản ngắn gọn về các tác phẩm của Charaka và Sushruta.