Một trong những hình ảnh đặc trưng về Ấn Độ ngày nay là chân dung những người đàn ông râu dài, đầu quấn khăn Turban dầy cộm của người theo đạo Sikh. Đặc trưng đến mức cứ nhìn thấy hình ảnh người đàn ông râu dài, đội khăn Turban là người ta liên tưởng đến Ấn Độ.
Sự thật là đạo Sikh chỉ mới hình thành khoảng 500 năm trước và số tín đồ thực sự chỉ trên dưới 24 triệu người. Tuy sinh sau đẻ muộn hơn các tôn giáo khác ở cái nôi của các tôn giáo lớn như Hindu, Phật giáo và số tín đồ rất khiêm tốn nhưng đạo Sikh lại có một ảnh hưởng mạnh mẽ lên đời sống tinh thần của người Ấn Độ, đến mức có trở thành một biểu tượng cho Ấn Độ cũng không có gì là quá đáng.
Ngược dòng lịch sử, chúng ta thấy rằng vó ngựa xâm lăng của các đạo quân Hồi giáo đã càn quét tiểu lục địa Ấn Độ vào thế kỷ thứ 10. Sau khi đã hoàn thành công cuốc xâm chiếm Ấn độ rộng lớn, Hồi giáo đã được các vua Islam truyền bá và áp đặt lên đời sống người Ấn, những người vốn dĩ đã sống theo lối sống Hindu suốt hơn 10.000 năm. Gốc rễ sâu đậm của văn hoá Hindu đã không bị làn sóng văn hoá Hồi giáo mới xoá sổ mà trái lại còn ảnh hưởng ngược lại những kẻ đi xâm lăng. Các hậu duệ của những kẻ Hồi giáo man rợ và khát máu được sinh ra và lớn lên trong môi trường thấm đẫm văn hoá Hindu nên đã ngày càng xa rời gốc rễ Hồi giáo mà nghiêng dần về phía Hindu. Sau vài trăm năm, một nền văn hoá mới của giới quý tộc đã hình thành ở Ấn Độ dưới thời cai trị của các ông hoàng Hồi giáo gọi là Mughal- một kiểu văn hoá tuy vẫn đề cao Hồi giáo nhưng đã thu nạp nhiều phong tục Hindu của vùng đất mới.
Không xoá bỏ được lối sống Hindu, lại cũng không du nhập hoàn toàn được văn hoá Hồi giáo; Ấn Độ lúc bấy giờ có một xã hội chứa đầy những dị biệt, mặt này thì xung đột dữ dội, mặt khác lại hoà quyện vào nhau không thể tách rời. Hoàn cảnh lịch sử ấy thật thích hợp cho một tôn giáo mới dung nạp được tất cả những gì tốt đẹp của các tôn giáo đã có trước.
Vào năm 1469 ở Lahore (Pakistan ngày nay) có một nhân vật ra đời – Nanak Dev, người sau này đã làm thay đổi lịch sử Ấn độ với tư cách là người sáng lập ra một tôn giáo mới. Ngay từ bé, Nanak Dev đã tỏ ra là một người thông tuệ, có thiên khiếu tôn giáo và các vấn đề tinh thần. Nanak đối lập quan điểm với giới tăng lữ cả Hindu và Hồi giáo. Tôn giáo, đối với Nanak không phải là những thứ bị giới tăng lữ bày vẽ thành ra phức tạp mà hoàn toàn đơn giản, tối giản hết mức có thể. Đó là chỉ có một Đấng Tối Cao duy nhất., đại diện cho Sự Thật, sáng tạo ra tất cả mọi thứ, tồn tại trong tất cả mọi thứ, không ban bố sợ hãi hay ghét bỏ. Đấng Tối Cao đó nằm ngoài tầm với của trí óc con người và người ta chỉ có thể tạo lập sự kết nối với Đấng Tối Cao thông qua bản ngã chân chính của mỗi người.
Vào năm Nanak Dev được 40 tuổi (1509) ông được nhìn nhận như là một lãnh tụ tôn giáo nổi tiếng, được tôn xưng là “Guru” (đạo sư). Năm đó cũng được xem là dấu mốc đánh dấu sự ra đời của đạo Sikh. Suốt 30 năm sau đó, Guru Nanak Dev du hành khắp Ấn Độ, sang cả các trung tâm Hồi giáo ở Trung Đông rao giảng những sấm ngữ ông có được từ những buổi “hiệp thông với Đấng Tối Cao”. Các sấm ngữ của ông sau này được tập hợp lại thành Japji Sahib và Guru Grand Sahib- các sách được xem là kinh thánh của người Sikh. Khi ông mất vào năm 1539, cả Hindu và Hồi giáo đều tranh nhau phần xá lợi (Sarira) còn lại sau khi hoả thiêu nhục thể của ông.
Kế tục Guru Nanak Dev từ 1539 đến 1552 là Guru Angad, người đã tạo nên bộ mẫu tự mới cho đạo Sikh gọi là Gurmukhi Lippi (mẫu tự từ miệng của Guru) .
Từ 1552 đến 1574 là Guru Amar Das. 1574-1581 là Guru Ram Das. Guru Arjan Dev từ 1581-1606. 1606-1644 là GuruHargobind. 1644-1661 là Guru Har Rai. 1661-1664 Guru Har Kishan. 1664-1675 Guru Teg Bahadur. Vị Guru thứ mười và cũng là Guru cuối cùng của đạo Sikh là Guru Gobind Singh (1675-1708).
Vị Guru cuối cùng Gobind Singh đã thiết lập giới luật “Khalsa” làm căn bản cho các tín đồ đạo Sikh cho đến ngày nay. Khalsa bao gồm 5 chữ K:
- KESH – không được cắt tóc, râu, lông trên cơ thể trong suốt cuộc đời.
- KIRPAN – con dao găm bằng thép để bảo vệ danh dự.
- KARA – vòng tay bằng thép như một sự cám kết tuân theo luật Sikh.
- KANGA – cái lược nhỏ để chải tóc râu.
- KACHERA – một cái quần lửng.
Đàn ông theo đạo Sikh được ban cho họ Singh, phụ nữ thì có họ Kaur. Cả hai họ này đều có ý nghĩa rất đặc biệt. “Kaur” có nghĩa là “công chúa”, vì đối với người theo đạo Sikh, mỗi người phụ nữ quý giá như một công chúa.Khi tôn trọng và đánh giá cao người phụ nữ, đạo Sikh mặc nhiên đã nâng cao vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội Ấn Độ- vốn là một xã hội trọng nam khinh nữ trầm trọng dù là theo Hindu hay Hồi giáo. Đây là điểm đặc sắc của đạo Sikh, làm cho nó trở thành một cứu cánh đáng mơ ước cho những ai đã chán ngán với tình trạng chà đạp phụ nữ trong xã hội Ấn Độ bị suy thoái về quan niệm xã hội.
Họ Singh của đàn ông theo đạo Sikh có nghĩa là “Sư Tử”. Theo quan niệm và tập tục của người Sikh, mỗi người đàn ông là một con sư tử dũng mãnh luôn kính ngưỡng Đấng Tối cao, tự xem danh dự của bản thân là trên hết và hết lòng yêu thương bảo vệ vợ con của mình. Con dao găm Kirpan mũi cong đặc biệt của đàn ông Sikh không chỉ là vật trang sức của giới luật mà thực sự là một vũ khí sắc bén dùng để bảo vệ danh dự của bản thân và gia đình. Mặc dù ít khi thấy phụ nữ theo đạo Sikh để lộ con dao găm nhỏ của họ nhưng giới luật của đạo Sikh đã quy định tất cả mọi người nam nữ đều phải giữ bên mình con dao Kirpan. Con dao Kirpan của các Kaur nhỏ nhắn để có thể dấu trong ống tay áo, ủng hay cài trong búi tóc. Con dao Kirpan của phụ nữ Sikh không dùng để chiến đấu trực diện như Kirpan của Singh mà chỉ dùng để giết chết kẻ uy hiếp mình khi bị kẻ đó cầm giữ trong vòng tay, trong trường hợp xấu nhất không thể tự vệ thì con Kirpan của các Kaur được dùng để họ tự sát tránh để kẻ thù làm ô nhục.
Tính cách quyết liệt của người theo đạo Sikh đã như một luồng máu mới tiếp thêm sinh khí cho cơ thể già cỗi của Tiểu Lục Địa Ấn Độ. Không ngạc nhiên khi với số tín đồ ít ỏi 24 triệu trên 1 tỷ dân (2,4%) thế mà đạo Sikh đã tạo lập được một ảnh hưởng mạnh mẽ lên đât nước hùng mạnh về nhân tài, dân số và kinh tế. Nhiều nhà chính trị kiệt xuất dẫn dắt Ấn Độ trong suốt hai thập kỷ qua là người của đạo Sikh, mà điển hình là cựu Thủ tướng Mamohan Singh.
(Còn tiếp)