Thứ Tư, 19 tháng 5, 2021

JAIN – KỲ NA GIÁO, TÔN GIÁO ĐẶC SẮC CỦA INDIA (KỲ 1)

 

 ĐỀN KỲ NA GIÁO PARSVANATH Ở KHAJURAHO, MADYA PRADESH

Đến India, có lẽ nhiều người đã từng viếng thăm một số ngôi đền có trang trí tường ngoài bằng những phù điệu hoặc tượng tròn cực kỳ sống động với sự thờ phượng chính ở trong là một hoặc nhiều pho tượng chế tác tuyệt mỹ bằng cẩm thạch mô tả một hình tượng ngồi kiết già tư thế hoa sen giống hệt tượng Phật, chỉ duy nhất tượng đó hoàn toàn loã thể, có cả bộ phận sinh dục không che đậy. Đó là đền thờ đạo Jain.


TƯỢNG GIÁO CHỦ KỲ NA GIÁO MAHAVIRA


Jain  (Hán Việt phiên âm là Kỳ Na Giáo) là một tôn giáo xưa cổ, đặc sắc và chỉ riêng có ở India cho đến tận ngày nay. Vào thời cổ đại, khoảng hơn 2500 năm trước, Jain là một trong ba tôn giáo lớn nhất India cùng với Hindu, Phật giáo. Ngài Mahavira -Giáo chủ đời thứ 24 của Jain là một người cùng thời với Đức Phật Sakya Muni, và nhập Niết bàn trước khi Siddhartha giác ngộ thành Phật dưới cội bồ đề ở Bodhgaya.

   Vào thời cổ đại Jain phổ biến và huy hoàng không kém Hindu hay Phật giáo, nếu không nói là có phần hơn. Chandragupta, người sáng lập ra đế chế Maurya (Khổng tước), là vị hoàng đế theo đạo Jain; cuối đời rời ngai vàng để tu khổ hạnh theo giới luật Jain. Chỉ đến khi cháu nội của ông là Ashoka Đại đế theo đạo Phật, khuếch trương quảng bá cho đạo Phật khắp đế chế Maurya và ra cả nước ngoài thì Phật giáo giai đoạn đó mới trở thành tôn giáo phát triển nhất India. Tuy vậy, sau giai đoạn phát dương mạnh mẽ thời Ashoka thì Phật giáo cũng như Jain đều trở thành tôn giáo thiểu số dưới thời các vị vua Hindu và Hồi giáo suốt 2000 năm cho đến ngày nay.