Chuẩn bị
Hành trình vòng quanh Nepal
có lẽ đã được chuẩn bị từ những ngày tháng đầu tiên tôi đặt chân đến Nepal năm 2005.
Nhớ khi mới chỉ vào Nepal hồi tháng 8 thì cuối tháng 10 năm ấy cũng vào mùa
Dashain tôi đã lái mô tô làm một vòng nhỏ vùng Trung Nepal: Kathmandu-Nagarkot-Bhaktapur-Gorkha-Pokhara-Lumbini-Chitwan-Hetauda-Kirtipur-Kathmandu.
Hơn chục năm trôi qua, tôi vẫn chưa có dịp hoàn thành dự định làm một vòng trọn
vẹn khắp Nepal
đúng nghĩa. Lần trở lại Nepal
này chính là cơ hội “bây giờ hoặc không bao giờ “ để hoàn thành trọn vẹn giấc
mơ Nepal
của tôi.
Từ cả năm nay tôi mua dần dần các phụ kiện cần thiết ở Việt
nam , những thứ mà tôi biết không thể hoặc khó khăn hay mắc mỏ ở Nepal như áo
khoác giáp, đèn sương mù trợ sáng, thanh giằng gắn action camera, các loại ổ
sạc dùng điện bình của xe, các phụ kiện cho các loại camera như gimbal, giá
gắn… Vì thế mà ngày lên đường từ Việt nam tôi phải vác 2 vali tổng cộng đến
50kg hành lý, chưa tính 10kg hành lý xách tay.
Tuần đầu tiên ở Kathmandu tôi mất trọn vào việc lùng tìm một con mô tô
dùng cho hành trình này. Xe Honda thì giá cao,các thương hiệu khác thì không
bền, hao xăng… Cuối cùng tôi chọn một chú CBZ EXTREME đã chạy 40.000km của
thương hiệu Hero, là thương hiệu liên doanh với Honda trước đây ở India.
Tôi đã từng dùng ít nhất 4 chiếc CBZ EXTREME nhiều đời khác nhau trong giai
đoạn 9 năm liên tục ở Nepal ngày trước nên biết rõ tính khí của loài ngưa thiên
lý này. Loại mô tô 150cc này dù không bốc, máy không vọt, nhưng lành tính, ít
hỏng vặt, cứ đều đều 40-50 km/h thì có chạy cả ngày cũng không sao (dù có thể
kéo lên trên 100km/h ở những đoạn đường tốt), có lên dốc xuống đèo cũng ngon
lành và cực kỳ tiết kiệm xăng: trung bình 50km/l, quả thật là khó ngờ đối với 1
chiếc mô tô 150 phân khối. Xe này ở India
giá chỉ tròm trèm 900USD/chiếc mới tinh, nhưng qua Nepal
do chính sách thuế 250% nên giá lên trên trời như ở Việt Nam: 3000USD/chiếc.
Việc đầu tiên tôi làm khi đem chú ngựa ô CBZ về là đi thay cặp vỏ vẫn còn dùng được bằng một bộ vỏ không ruột offroad gai lớn vừa bám đường, vừa an tâm khi đi đường xa không lo xẹp bánh. Rồi thay bộ nhông sên dĩa và bình ắc-quy khô mới toanh. Kế đó là làm lại bộ gấp sau cho thật hoàn hảo để xe không rung lắc và rên khi sang số , đồng thời không “sàng đít” khi vào cua (quan trọng lắm lắm khi đổ đèo). Sau đó gắn các bộ cản bảo vệ chân và chống đổ, làm yên chở hàng để chở hành lý. Kiểm tra lại toàn bộ hệ thống điện rồi gắn các loại đèn sương mù, đèn chớp để có thể yên tâm chạy khi sương mù (vùng Terai thì sương mù vô đối), các công tắc cho từng loại đèn, lắp điểm kết nối cho các loại sạc 220V và 12V.
Sau khi đã sửa chữa cơ bản tôi làm một chuyến đi lên đền Changunarayan - ngôi đền xưa nhất Kathmandu Valley còn tồn tại đến nay đã hơn 1500 năm - để test xe mà biết cần tinh chỉnh những gì cho nó thật hoàn hảo.
Hôm qua, đúng 1 tuần sau khi tha về chú ngựa ô, tôi và anh
chàng Sidhhi thợ nguội thực hiện công đoạn cuối cùng là chế tạo bộ gá để gắn 2
túi chở hàng saddle bags.
6PM 10/10/2018 chiếc xe đã sẵn sàng cho hành trình 3000km vòng
quanh Nepal, khắp cả nước Nepal cũng đã rộn ràng vào mùa lễ hội quốc gia lớn nhất
năm: Tết Dashain.
Chỉ chờ giờ tốt lành là xuất phát!
Chỉ chờ giờ tốt lành là xuất phát!