Chủ Nhật, 14 tháng 10, 2018

AROUND NEPAL IN FESTIVAL - DAY 1

NGÀY THỨ NHẤT: SINDHULI - ĐỆ NHẤT HÙNG QUAN NEPAL


Đêm trước nôn nao và phấn khích trước chuyến  hành trình dài nên mãi 12h đêm mới chợp mắt. 4am sáng 13/10/2018 đồng hồ báo thức từ điện thoại réo gọi không ngừng, Dậy pha một ly cà phê hoà tan đúp 2 gói thật đậm và ăn điểm tâm lạnh ngắt vì mua từ tối hôm trước (Nepal cũng như India, Bangladesh các quán ăn thường mở cửa sớm nhất là 10am, nên đừng hòng kiếm đồ ăn sáng no bụng ngoại trừ trà sữa và bánh rán, mà cũng không thể tìm ra vào lúc mờ sáng).
  Khệ nệ vác bốn túi hành lý xuống 2 tầng lầu, đưa con mô tô đã hàn gá sắt thép tùm lum như mấy con xế trong phim Max Mad, nặng hơn 150kg xuống 2 tầng “bảy cấp” (không phải tam cấp J ) chật hẹp của mini hotel trong trang phục chống lạnh 2 quần 4 áo khoác + giáp tay chân… mồ hôi tuôn ướt đẫm như trong phòng tắm hơi.



   





 

Chằng buộc hành lý, nổ máy xe, nhìn đồng hồ đã 5:48am. Thế là lên đường.
  Trời còn quá sớm đối với người Nepal nhưng lại là quá muộn đối với khu Thamel. Các gương mặt uể oải, sập nguồn tuôn ra từ các quán Bar, Club í ới tìm xe về nơi cư ngụ lấy ngày làm đêm. Các con phố ở trung tâm Kathmandu thưa thớt bóng người.
  Trời lạnh – 12oC. Hôm trước săn được cái nón bảo hiểm có thiết kế miếng phim “anti fog” (chống hơi nước ngưng tụ trên kính do sức nóng của hơi thở và nhiệt độ bên ngoài); giờ mới thấy đáng đồng tiền bát gạo – không còn cái cảnh mịt mờ không thấy đường phải mở kính lên hứng đủ không khí lạnh hoặc mưa bên ngoài.
  Xe bon ra ngoại ô hướng Bắc. Đến đầu xa lộ Araniko Highway giao với đường vành đai Ring Road thì bắt đầu kẹt xe trầm trọng. Vốn dĩ đã biết ngày thứ Bảy 13/10 này là ngày giao thông khó khăn nhất vì vào đợt nghỉ Tết Dashain 10 ngày công với thứ Bảy là ngày nghỉ hàng tuần (Nepal làm việc Chúa Nhật); nhưng vì viêm họng nặng không thể đi sớm mà đành chịu trận trong cảnh kẹt xe hỗn loạn như dịp cận Tết ở Saigon. Nhích từng bước một, mất đến nửa giờ để qua được nút thắt cổ chai dài 2km này (còn nhanh vì sáng sớm, chỉ trễ thêm 1 giờ nữa là khỏi đi luôn). Qua khỏi đoạn tắc nghẽn, tranh thủ phóng nhanh trên đoạn xa lộ hiện đại nhất Nepal với 3 làn xe mỗi chiều dài vỏn vẹn 20km do Nhật Bản viện trợ.

 Xa lộ Araniko Highway dài 115km nối từ thủ đô Kathmandu lên  cửa khẩu Tibet-China ở hướng Bắc. Người Nhật chỉ viện trợ làm đoạn từ Kathmandu đến thành phố cổ Bhaktapur tròm trèm 20 cây số. Đoạn còn lại từ Bhaktapur đến cửa khẩu Khasa (Tatopani) biên giới Tibet giống như “tình hữu nghị China-Nepal” được mệnh danh là “The most dangerous highway in the world” (xa lộ nguy hiểm nhất thế giới) do có nhiều đèo dốc hiểm hóc, mùa mưa nào cũng bị đất lở đá rơi phải đóng lại nhiều tháng. Nhiều người do thấy chính phủ Nepal đặt tên đường này là Araniko vào thập niên 2000 và hướng về biên giới Nepal-Tibet nên nhầm tưởng đó là con đường mà nhân vật huyền thoại Araniko đã đi ngày xưa theo lệnh chiêu nạp của hoàng đế Mông Cổ Hốt Tất Liệt vào triều Nguyên Mông làm kiến trúc sư trưởng. Trong đó có cả nhà du ký lão luyện Nguyễn Tường Bách; có thể ông chê Nepal nhỏ và tầm thường không có gì so sánh với các truyền thống India-Tibet-China nên “bỏ qua” vùng này chăng? Thật ra con đường này mới được làm rộng cho xe chạy từ một con đường mòn khoảng thập niên 1960  sau khi Nepal và Trung Quốc ký quan hệ ngoại giao. Con đường cổ đại từ Nepal lên Tibet mà Araniko đã đi là con đường đi ngang qua Boudha (vì thế Boudha mới là trung tâm hành hương của người Tibet) về hướng Sankhu và vượt qua núi đèo hiểm trở cùng các đoàn Caravan Yak của khu vực Dolpa. (Khi nào có duyên sẽ làm một bài về các con đường vào ra Thung Lũng Kathmandu hầu các bạn).

Đến ngã ba Dhulikhel thì mình rẽ phải vào B.P Highway. Đây lại là một cung đường khác cũng do người Nhật viện trợ để làm. Là con đường ngắn nhất nối liền Kathmadu Valley và vùng đồng bằng phì nhiêu chân núi Terai giáp với vùng Bắc Ấn. Mình từng đi cung đường này vào Dashain-Tihar năm 2012, khi nó chưa hoàn tất (lúc ấy chỉ còn 30km chưa xong mà phải đánh vòng vào đường rừng 50km đất mủn thành bụi dày nửa bánh xe). Ấn tượng của chuyến đi cách đây 6 năm thật tuyệt vời với trời xanh, phong cảnh mê hồn dọc theo sông Sindhuli, chạy cả ngày hầu như chỉ gặp vài chiếc xe (vì đường chưa làm xong). lần này thì khắc hẳn.
  Vì là cung đường ngắn nhất về miền Đông Nepal nên giờ đây xe cộ tấp nập. Nhất là vào dịp Tết, bà con miền Đông trở về quê sum họp gia đình càng đông gấp bội. Đường thì hẹp nhất là các đoạn dốc đèo. Dù mang tiếng là Highway nhưng hai xe tải hoặc xe bus lớn ngược chiều phải gần như dừng hẳn để đi qua từ từ. Chắc có lẽ do địa hình không thể phá núi làm rộng hơn nữa (lở vách núi ở những đoạn đường trên đỉnh).

Từ Dhulikhel ở độ cao 1585m đi xuống đồng bằng Terai, con đường BP Highway thực chất là con đường cổ đại duy nhất xuyên qua đoạn thấp trung bình 1500m xe giữa dãy Terai để đi lên Thung Lũng Kathmandu (các con đường  hiện nay từ Bharatpur xuyên qua Mugling hay Hetauda lên Kirtipur chỉ mới chưa quá 200 năm). Terai (nghĩa là Vùng đất thấp) theo cách gọi ngày nay để chỉ vùng đất dọc chân dãy núi Terai cao 3000-5000m bên trong biên giới Nepal. Dãy núi thật ra đã nổi danh từ thời cổ đại bởi đã được đề cập trong các sử thi Mahabharata và Ramayana từ hơn 4000 năm trước với tên “Dãy núi Mahabharata”.
 
30km đầu tiên từ Dhulikhel vào cho ta cảm giác đang xuống dốc, chạy khá thong thả dù hơi đông xe (từ ngày mai chắc nghẹt cứng). Sau đó là những đoạn khúc khuỷu nguy hiểm bắt đầu vào con đèo 140km được mệnh danh là “ĐỆ NHẤT HÙNG QUAN NEPAL”, nơi quân đội Nepal ít người, lạc hậu, cổ lỗ đã chặn đứng đội quân xâm lược 4000 người của người Anh năm 1834 (lần đầu tiên quân đội Anh bị đánh bại trong công cuộc xâm lược châu Á). 


   (Mời các bạn xem tiếp phần kế vào tối nay, vì đã đến giờ lên đường)

Shinduli-Đệ nhất hùng quan p2: thăm lại cây cầu bị nổ bom năm 2006 nơi mình hút chết ở vùng Mithila đã nhắc đến trong loạt bài TRANH DÂN GIAN MITHILA - TÂM HỒN THƠ MỘNG (3)