Thứ Năm, 15 tháng 11, 2018

AROUND NEPAL IN FESTIVAL 2018 - CONTINUE

Đến tận bây giờ (15/11/2018) tôi vẫn còn say ngất ngư với dòng thác cảm xúc ngập tràn tâm tưởng mà chuyến đi hơn 3000km, trong 25 ngày qua hết 7 tỉnh của Nepal vừa kết thúc vào tháng trước.
 Một phần là sự vất vả của hành trình: mỗi ngày phải di chuyển trung bình gần 200km, hôm trước vừa ở đồng bằng Terai 400m trên mực nước biển nhiệt độ 30oC thì hôm sau đã phải bò trên những con đèo quanh co khúc khuỷu dài hàng trăm km để lên những thị trấn nằm trên 1500m trên mực nước biển lạnh dưới 10oC.

Thứ Hai, 15 tháng 10, 2018

AROUND NEPAL IN FESTIVAL 2018 - DAY 3


Dậy sớm, rảo sớm một vòng thành phố biên viễn ở miền Đông Nepal. 7am là quá sớm cho các hoạt động thường nhật ở cả Nepal và India.
Ngạc nhiên nhất là tìm được 1 quán của người Tamang bán Mo Mo cực ngon. Nếu biết rằng hầu hết các quán ăn ở Nepal chỉ mở bán sau 9am thì mới biết mình ngạc nhiên thế nào khi nghe chủ quán trả lời "Yes", khi mình hỏi thử có Mo Mo không.

9:39 am xuất phát đi Kakarbitta - cửa khẩu ở cực Đông Nepal. Đến nơi lúc 10.30am ngày 15/10/2018, Đã hoàn thành một nửa mục tiêu của chuyến đi.






11am quay đầu xe hướng về ILAM- thủ phủ TRÀ Nepal ở độ cao 1200m, cách xa lộ Đông Tây 90km.

AROUND NEPAL IN FESTIVAL – DAY 2


BIRTAMODE

Sáng dậy cũng không trễ lắm, không hiểu sao cứ lần chần, mãi đến 11am mới xuất phát.
Mục tiêu hôm nay là Birtamode, thị trấn biên viễn phía Đông Nepal, cách Mithila 240km.










Chủ Nhật, 14 tháng 10, 2018

AROUND NEPAL IN FESTIVAL - DAY 1

NGÀY THỨ NHẤT: SINDHULI - ĐỆ NHẤT HÙNG QUAN NEPAL


Đêm trước nôn nao và phấn khích trước chuyến  hành trình dài nên mãi 12h đêm mới chợp mắt. 4am sáng 13/10/2018 đồng hồ báo thức từ điện thoại réo gọi không ngừng, Dậy pha một ly cà phê hoà tan đúp 2 gói thật đậm và ăn điểm tâm lạnh ngắt vì mua từ tối hôm trước (Nepal cũng như India, Bangladesh các quán ăn thường mở cửa sớm nhất là 10am, nên đừng hòng kiếm đồ ăn sáng no bụng ngoại trừ trà sữa và bánh rán, mà cũng không thể tìm ra vào lúc mờ sáng).
  Khệ nệ vác bốn túi hành lý xuống 2 tầng lầu, đưa con mô tô đã hàn gá sắt thép tùm lum như mấy con xế trong phim Max Mad, nặng hơn 150kg xuống 2 tầng “bảy cấp” (không phải tam cấp J ) chật hẹp của mini hotel trong trang phục chống lạnh 2 quần 4 áo khoác + giáp tay chân… mồ hôi tuôn ướt đẫm như trong phòng tắm hơi.



   


Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2018

AROUND NEPAL IN FESTIVAL 2018 - Taxiiiiiii


Chuẩn bị cất cánh (Taxi = máy bay lăn bánh ra đường băng chuẩn bị bay)
___________________
Xe cộ, hành trang đã sẵn sàng nhưng mấy ngày nay vẫn chưa đi được. Bệnh!
Cũng tại cái thói chủ quan.
   Tuần rồi mang xe ra test. 5am , trời lạnh cóng 14-15oC mà vác xe chạy phà phà lên núi Changunarayan, lại chỉ mặc có cái áo khoác giáp không áo ấm bên trong, không khăn choàng cổ. Ngay sáng hôm sau lại cũng chủ quan y như thế mà chạy lên đồi Swayambhunath. Rồi vác xe chạy từ đầu này sang đầu kia Kathmandu mấy vòng dưới nắng trưa đổ lửa. Hậu quả là ngay tối hôm đó cảm lạnh nặng, sốt cao, nói không ra tiếng còn cái cổ họng như có cục than hồng. May mà không nằm vật ra.





Thứ Năm, 11 tháng 10, 2018

AROUND NEPAL IN FESTIVAL 2018 - READY


Chuẩn bị
Hành trình vòng quanh Nepal có lẽ đã được chuẩn bị từ những ngày tháng đầu tiên tôi đặt chân đến Nepal năm 2005. Nhớ khi mới chỉ vào Nepal hồi tháng 8 thì cuối tháng 10 năm ấy cũng vào mùa Dashain tôi đã lái mô tô làm một vòng nhỏ vùng Trung Nepal: Kathmandu-Nagarkot-Bhaktapur-Gorkha-Pokhara-Lumbini-Chitwan-Hetauda-Kirtipur-Kathmandu. Hơn chục năm trôi qua, tôi vẫn chưa có dịp hoàn thành dự định làm một vòng trọn vẹn khắp Nepal đúng nghĩa. Lần trở lại Nepal này chính là cơ hội “bây giờ hoặc không bao giờ “ để hoàn thành trọn vẹn giấc mơ Nepal của tôi.



Từ cả năm nay tôi mua dần dần các phụ kiện cần thiết ở Việt nam , những thứ mà tôi biết không thể hoặc khó khăn hay mắc mỏ ở Nepal như áo khoác giáp, đèn sương mù trợ sáng, thanh giằng gắn action camera, các loại ổ sạc dùng điện bình của xe, các phụ kiện cho các loại camera như gimbal, giá gắn… Vì thế mà ngày lên đường từ Việt nam tôi phải vác 2 vali tổng cộng đến 50kg hành lý, chưa tính 10kg hành lý xách tay.

  Tuần đầu tiên ở Kathmandu tôi mất trọn vào việc lùng tìm một con mô tô dùng cho hành trình này. Xe Honda thì giá cao,các thương hiệu khác thì không bền, hao xăng… Cuối cùng tôi chọn một chú CBZ EXTREME đã chạy 40.000km của thương hiệu Hero, là thương hiệu liên doanh với Honda trước đây ở India. Tôi đã từng dùng ít nhất 4 chiếc CBZ EXTREME nhiều đời khác nhau trong giai đoạn 9 năm liên tục ở Nepal ngày trước nên biết rõ tính khí của loài ngưa thiên lý này. Loại mô tô 150cc này dù không bốc, máy không vọt, nhưng lành tính, ít hỏng vặt, cứ đều đều 40-50 km/h thì có chạy cả ngày cũng không sao (dù có thể kéo lên trên 100km/h ở những đoạn đường tốt), có lên dốc xuống đèo cũng ngon lành và cực kỳ tiết kiệm xăng: trung bình 50km/l, quả thật là khó ngờ đối với 1 chiếc mô tô 150 phân khối. Xe này ở India giá chỉ tròm trèm 900USD/chiếc mới tinh, nhưng qua Nepal do chính sách thuế 250% nên giá lên trên trời như ở Việt Nam: 3000USD/chiếc.

Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2018

THƯ CỦA CEO PEPSI INDRA NOOYI (NHÂN VẬT CỦA CHỦ ĐỀ NGƯỜI ẤN ĐIỀU HÀNH THẾ GIỚI)

"Nữ tướng" của PepsiCo từ chức sau 12 năm điều hành, và đây là bức thư xúc động bà gửi cho nhân viên

Oct 04, 2018

Ngày 03/10 vừa qua, bà Indra Nooyi - người được mệnh danh là "nữ tướng" của PepsiCo, đã từ chức Giám đốc Điều hành tại công ty này, giao lại ghế CEO cho ông Ramon Laguarta, 54 tuổi, người trước đó là Giám đốc phụ trách hoạt động toàn cầu của PepsiCo. Bà sẽ tiếp tục giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Quản trị PepsiCo cho tới đầu năm 2019. Trong những giờ phút cuối cùng nắm giữ vị trí CEO, bà Indra đã gửi đến toàn thể nhân viên tại PepsiCo một bức thư hết sức xúc động, nhưng cũng không kém phần ý nghĩa.
Thân gửi các cộng sự,
Khi ngồi xuống và đặt bút viết nên những lời cuối cùng này trên cương vị là một CEO, tôi cảm thấy thực sự xúc động.
Tất cả các bạn – gia đình PepsiCo của tôi – mọi người đã luôn có một vị trí đặc biệt trong tim tôi kể từ ngày đầu tiên tôi gia nhập công ty từ 24 năm về trước. Kể từ khi sự rời đi của tôi được thông báo, tôi đã nhận được rất nhiều lời nhắn của các bạn đến từ rất nhiều nơi khác nhau trên thế giới. Dù tôi không có đủ thời gian để trả lời tất cả các bạn, tôi đã đọc từng tin nhắn, và nước mắt của tôi đã rơi. Không từ ngữ nào diễn tả được chúng quan trọng với tôi đến mức nào, và tôi đã xúc động sâu sắc như thế nào trước tình cảm của các bạn.
Vì vậy, cho đến đầu năm sau, khi tôi vẫn còn giữ vị trí chủ tịch; gần đây tôi đã suy nghĩ rất nhiều; tôi đã đọc lại bức thư đầu tiên mà tôi viết cho các bạn vào mùa hè năm 2006.
“Chúng ta đang phải đối mặt với một môi trường kinh doanh khó khăn và thách thức hơn bao giờ hết,” tôi viết. “Và chúng ta cần phải đương đầu với các biến cố, định hình chúng, thay vì chỉ chờ đợi và bị vùi dập bởi chúng. Điều này cũng có nghĩa rằng chúng ta sẽ phải sáng tạo và táo bạo hơn.”
Và trong suốt 12 năm qua, đó chính xác là điều mà chúng ta đã làm. Đó chính xác là điều mà các bạn đã làm.

Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2018

MỜI ĐÓN XEM HÀNH TRÌNH "VÒNG QUANH NEPAL MÙA FESTIVAL - 2018"


Các bạn thân mến,

Nhơn dịp Tết Nepal Dashain 2018, Phú Nepal sẽ thực hiện một hành trình bằng mô tô vòng quanh Nepal trong vòng 30 ngày từ Kathmandu đi đến miền Đông Nepal rồi theo xa lộ Đông Tây đến cực Tây Nepal.







Hành trình dự trù dài khoảng 2860 km kéo dài 30 ngày qua hầu hết các tỉnh thành, gặp hầu hết các sắc tộc Nepal.



Thứ Tư, 8 tháng 8, 2018

TIẾNG HINDI (1)


Hindi là ngôn ngữ trực hệ của Sanskrit và các thổ ngữ của văn minh sông Hằng (Ganges Civilization). Tại Ấn Độ, hơn 180 triệu người Ấn xem Hindi là tiếng mẹ đẻ, 300 triệu người xem Hindi là ngôn ngữ thứ hai. Ngoài Ấn Độ, tiếng Hindi được sử dụng  bởi hang chục triệu người ở Nepal, Nam Phi, Mỹ, Đức, Uganda, Mauritius…



Hindi phát xuất từ nhóm thổ ngữ Apabhransa, những thổ ngữ bị các học giả Sanskrit cổ đại xem là “ngôn ngữ không ngữ pháp” (non-grammatical language) ở vùng dọc theo sông Hằng từ thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ thứ 13, vốn là khu vực văn minh nhất tiểu lục địa Ấn Độ. Đây có thể coi như thứ tiếng của giới bình dân , đối lập với Sanskrit, vốn được coi là ngôn ngữ của Thần Linh và chỉ giai cấp Brahmin (Bà-la-môn) được phép sử dụng.

Thứ Ba, 3 tháng 7, 2018

ĐẠO SIKH (PHẦN 1)



Một trong những hình ảnh đặc trưng về Ấn Độ ngày nay là chân dung những người đàn ông râu dài, đầu quấn khăn Turban dầy cộm của người theo đạo Sikh. Đặc trưng đến mức cứ nhìn thấy hình ảnh người đàn ông râu dài, đội khăn Turban là người ta liên tưởng đến Ấn Độ.
   Sự thật là đạo Sikh chỉ mới hình thành khoảng 500 năm trước và số tín đồ thực sự chỉ trên dưới 24 triệu người. Tuy sinh sau đẻ muộn hơn các tôn giáo khác ở cái nôi của các tôn giáo lớn như Hindu, Phật giáo và số tín đồ rất khiêm tốn nhưng đạo Sikh lại có một ảnh hưởng mạnh mẽ lên đời sống tinh thần của người Ấn Độ, đến mức có trở thành một biểu tượng cho Ấn Độ cũng không có gì là quá đáng.






  Ngược dòng lịch sử, chúng ta thấy rằng vó ngựa xâm lăng của các đạo quân Hồi giáo đã càn quét tiểu lục địa Ấn Độ vào thế kỷ thứ 10. Sau khi đã hoàn thành công cuốc xâm chiếm Ấn độ rộng lớn, Hồi giáo đã được các vua Islam truyền bá và áp đặt lên đời sống người Ấn, những người vốn dĩ đã sống theo lối sống Hindu suốt hơn 10.000 năm. Gốc rễ sâu đậm của văn hoá Hindu đã không bị làn sóng văn hoá Hồi giáo mới xoá sổ mà trái lại còn ảnh hưởng ngược lại những kẻ đi xâm lăng. Các hậu duệ của những kẻ Hồi giáo man rợ và khát máu được sinh ra và lớn lên trong môi trường thấm đẫm văn hoá Hindu nên đã ngày càng xa rời gốc rễ Hồi giáo mà nghiêng dần về phía Hindu. Sau vài trăm năm, một nền văn hoá mới của giới quý tộc đã hình thành ở Ấn Độ dưới thời cai trị của các ông hoàng Hồi giáo gọi là Mughal- một kiểu văn hoá tuy vẫn đề cao Hồi giáo nhưng đã thu nạp nhiều phong tục Hindu của vùng đất mới.
  Không xoá bỏ được lối sống Hindu, lại cũng không du nhập hoàn toàn được văn hoá Hồi giáo; Ấn Độ lúc bấy giờ có một xã hội chứa đầy những dị biệt, mặt này thì xung đột dữ dội, mặt khác lại hoà quyện vào nhau không thể tách rời. Hoàn cảnh lịch sử ấy thật thích hợp cho một tôn giáo mới dung nạp được tất cả những gì tốt đẹp của các tôn giáo đã có trước.

Thứ Năm, 21 tháng 6, 2018

MỘT PHẬT ĐẢN KHÔNG THỂ NÀO QUÊN

Phú Nepal: Nhân dịp Phật Đản 2018 ( PL. 2562) xin post lại bài bút ký về Lễ Phật Đản 2010 tại Lumbini. (đã đăng trên Nguyệt san Giác Ngộ 06/2010)

*****************

      Năm năm trước (2005), tôi rời Lumbini sau khi làm công quả và công tác thiện nguyện tại đây mà lòng buồn bã; không biết có còn dịp trở lại nơi chốn đã làm thay đổi toàn bộ đời tôi. Tôi đã chọn Kathmandu, thủ đô của Nepal, làm nơi dừng chân để học tiếp Phật Pháp và  nghiên cứu lịch sử  họ  Sakya từ chính những người Sakya (Thích Ca) cũng chính là vì muốn có thể trở lại Lumbini bất cứ khi nào.
Hơn 3 năm nay tôi chuyên vẽ về đề tài Đức Phật. Là quê hương của Đức Phật, hơn nữa tại đây còn có một cộng đồng Sakya (Thích Ca) đông đảo sinh sống - những người mà tay nghề vẽ và điêu khắc Đức Phật vào hàng bậc nhất trên thế giới, nên khẳng định một vị trí là điều không dễ dàng. Tôi đóng cửa lặng lẽ làm việc, bỏ qua tất cả mọi thứ để chuyên chú vào đề tài của mình. Thầy Bổn sư của tôi dạy rằng:” “Vẽ tranh chính là Thiền, nhất là vẽ tranh Phật. Tập trung vào Niệm (Sati) cho đến khi “thấy” Đức Phật.” Từ những hình ảnh tưởng tượng,  chủ đề này dần trở thành cụ thể gần như có thể cảm thấy bằng năm giác quan, cho đến một đêm cách đây hơn ba tháng, tôi mơ thấy Đức Phật. Tỉnh giấc lúc 3 giờ sáng, tôi vội vàng vẽ lên tấm voan trắng hình ảnh mình vừa mơ thấy, sợ rằng nó sẽ tan biến mất. Chỉ trong 5 giờ đồng hồ, tôi đã hoàn thành bức tranh “Light of Asia” (Ánh sáng Á châu), bức tranh tôi ưng ý nhất trong tất cả những bức tôi đã vẽ về Đức Phật, và khi trưng bày thì mọi người cũng đồng ý rằng đó là bức tranh đạt nhất của tôi. Dường như Đức Phật độ trì, nên sau khi hoàn thành “Light of Asia”, Lumbini Development Trust  - LDT (*)  chính thức chọn tôi làm họa sĩ đầu tiên triển lãm tranh Phật tại Sacred Garden (Khu Vườn Thiêng nơi Đức Phật Thích Ca đản sinh) ở Lumbini nhân dịp Phật Đản 2554 (27/05/2010). Đây là một vinh dự không thể nào mơ tới của tôi. Ngoài việc được công nhận một vị trí trong giới vẽ tranh Phật ở Nepal và India, chỉ riêng việc được trưng bày tranh Phật tại nơi Phật đản sinh trong ngày Phật Đản đã là một phước duyên không thể nào đo lường được với tôi.

Tác giả bên bức Light of Asia

Thứ Năm, 10 tháng 5, 2018

RAMGRAM – BẢO THÁP NGUYÊN THUỶ LƯU GIỮ XÁ-LỢI PHẬT THÍCH-CA (P1)


PHẦN 1                    

(Bài này đã đăng trên Nguyệt San Giác Ngộ số đặc biệt mừng Phật Đản năm 2012)
Đã thành thông lệ, mỗi lần về thăm quê hương Đức Phật tôi đều phải ít nhất một lần ghé qua Ramgram. Đấy là nơi lưu giữ Xá Lợi nguyên thủy (Sàrìradhàtu) của Đức Phật Thích-ca và hầu như chưa hề bị xâm phạm cho đến ngày nay. Điều đó cũng có nghĩa là: đấy là nơi lưu giữ số lượng nhiều nhất Xá Lợi Phật Thích-ca trên thế giới cho đến ngày nay.
Ramgram, gọi đầy đủ phải là Ramagrama, là một địa danh quan trọng và nổi tiếng trong lịch sử Phật giáo cũng như lịch sử họ Sakya (Thích-ca).

_____________________________________________
Lời dẫn của tác giả: Tôi lên đường đến Lumbini để làm công quả và công tác thiện nguyện một cách bất ngờ từ nhiều năm trước. Vùng đất Phật đã làm tôi yêu mến và gắn bó như  quê hương  của mình. Mà cũng đúng thôi, vì mọi Phật tử đều tự xem mình là con Phật và như thế quê hương của Đức Phật Thích-ca cũng chính là quê hương của chúng ta.

Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2018

RAMGRAM – BẢO THÁP NGUYÊN THUỶ LƯU GIỮ XÁ-LỢI PHẬT THÍCH-CA (P. 2 )

BÀI NÀY ĐÃ ĐĂNG TRÊN NGUYỆT SAN GIÁC NGỘ
SỐ 195 - THÁNG 6/2012
PHẦN 2
III - NHỮNG GHI NHẬN TRONG LỊCH SỬ VỀ BẢO THÁP RAMGRAM
Hình Bảo Tháp Ramgram trên phù điêu ở Sanchi
    Sau khi xây dựng bảo tháp thờ phượng Xá-lợi Phật Thích-ca, Ramgram trở thành trung tâm hành hương và chiêm bái của toàn cõi Diêm-Phù-Đề (Ấn Độ).
  Như đã trình bày trong Phần 1 của bài này, chuyến viếng thăm Bảo tháp Ramagrama nhằm thu thập xá-lợi của Đại đế Ashoka đã được ghi nhận bởi hầu hết các sử liệu cổ đại. Đồng thời các sử liệu cũng ghi nhận một trong những Phật sự lớn lao của Asoka là xây dựng 84,000 bảo tháp. Trong số các bảo tháp đó, bảo tháp Sanchi tại bang Madhya Pradesh trung tâm lục địa Ấn Độ đã vượt qua sự khắc nghiệt của thời gian tồn tại cho đến ngày nay. Theo các nghiên cứu khoa học, bảo tháp Sanchi được xây dựng bởi chính Asoka vào thế kỷ thứ 3 trước Công Nguyên [chúng tôi sẽ có bài riêng về bảo tháp này trong loạt bài về Asoka]. Vào thế kỷ thứ 1 sau Công Nguyên, bốn cổng bằng đá chạm khắc tinh xảo được thêm vào cấu trúc của bảo tháp Sanchi. Thật may mắn cho tôi, khi nghiên cứu thực địa tại bảo tháp Sanchi đã tìm thấy tại đấy một phù điêu mô tả bảo tháp Ramagrama. Duyên lành! Thế là chúng ta có được một chứng cứ lịch sử bằng hình ảnh đã hai ngàn năm tuổi về hình dáng của bảo tháp Ramagrama. Phù điêu này (ở cách xa Ramagrama trên 2,000km) đã chứng tỏ địa vị và sự nổi tiếng của Ramagrama trong lịch sử Phật giáo cổ đại. Phù điêu này chính là một sử liệu độc đáo và vô giá về sự tồn tại của bảo tháp Ramagrama.

Thứ Ba, 6 tháng 3, 2018

VÌ SAO GỌI LÀ: HINDU (ẤN ĐỘ)



MỘT SỐ CHÚ GIẢI CHO ẤN ĐỘ HỌC TIẾNG VIỆT

GLOSSARY FOR VIETNAMESE INDOLOGY


VÌ SAO GỌI LÀ:  HINDU (ẤN ĐỘ)

Danh từ “Hindu” (Hán Việt: Ấn Độ) có nguồn gốc từ thời Vedic (1500-600BC) với cụm từ Vedic Sanskrit: Sapta Sindhavas – vùng đất của bảy nhánh sông Sindhus (Indus); bao gồm Đông Afghanistan, Kashmir và Punjab. Đây là quê hương của những người tự gọi mình là Arya (người quý phái, tuyệt hảo). Sau này những xứ bên ngoài gọi những người sống ở vùng đất của bảy nhánh sông Sindhus là: Sindhus. Tiếng Ba tư cổ (Old Persian) biến Sindh thành Hind và từ Hindus đã thay thế Sindhus để chỉ người sống ở vùng sông Indus, và vùng ấy gọi là Hindustan theo tiếng Ba tư. Hindus và Hindustan càng được củng cố trong lịch sử và địa lý sau khi Hồi giáo xâm chiếm và cai trị Ấn Độ từ thế kỷ 13.

Thứ Hai, 5 tháng 3, 2018

NHẠC THẦN DU LÃNG GANDARVA VÀ CHIẾC SARANGI



  
Huyền thoại Ấn độ kể rằng Indra (Đế Thích, vua của cõi trời) luôn có một vị thần đi theo hầu nhạc, gọi là Nhạc Thần. Vị thần này còn có tên khác là Hương thần vì chỉ sống bằng mùi hương đồng thời thân thể cũng tỏa ra hương thơm kỳ lạ. Tên của vị thần này là Gandarva, Hán dịch là Càn Thát Bà, là một trong Thiên Long Bát Bộ mà Kim Dung mượn ý để sáng tác nên tuyệt phẩm nhất nhì của ông.
Ngày trước mình đọc huyền thoại cứ nghĩ rằng Càn Thát Bà là tiên , là thần thánh không phải người phàm, phiêu diêu thoát tục, không bao giờ có thực. Mình lầm.




Khoảng năm 2006, mình ở trọ tại khu vực ngoại ô Tokha của Kathmandu-Nepal, cửa ngõ đi vào vùng núi phía Tây Bắc thủ đô. Một trưa hè nọ, trải đệm ngoài ban công nằm lơ đãng thả hồn theo những nắm mây trời trắng bông trôi bảng lảng trên trời cao bỗng nghe tiếng réo rắt của một nhạc cụ dây hòa quyện một giọng hát dày dạn phong sương. Nhạc hay quá, mình nằm im nhắm mắt lại mà thưởng thức. Đến khi giật mình vì cảm thấy tiếng nhạc rời xa, bật ngồi dậy thì chỉ thấy một bóng người khuất dần trong ngõ hẻm quanh co.
Mình bắt đầu tò mò và dò hỏi. Đến khi phát hiện ra sự thực thì suýt nhảy cẫng lên mừng rỡ. Ở Nepal, nhất là vùng núi, có một giai cấp gọi là Gandarva (Càn Thát Bà) chuyên lang thang chơi nhạc và sống bằng sự hảo tâm của mọi người. Quả đúng thật là vị thần chơi nhạc và sống bằng hương của Đế Thích trong huyền thoại.
Một Càn Thát Bà chính hiệu


Thứ Tư, 28 tháng 2, 2018

HOLI- LỄ HỘI VUI NHỘN NHẤT BẮC ẤN (1)




Ở Ấn Độ, hầu như các lễ hội bản địa (trừ lễ hội Hồi Giáo) đều gắn liền với một vị thần linh. Holi- Lễ hội sắc màu (Color Festival) cũng không ngoại lệ. Đây là một lễ hội phổ biến bậc nhất của Hindu giáo Bắc Ấn, có nguồn gốc từ thời Mahabharata (1000 năm trước Công nguyên). Lễ hội Holi phổ biến có lẽ vì nó gắn liền với huyền thoại của thần Krishna- một trong các vị thần phổ biến và được yêu mến nhất của thế giới Hindu.

  Lần đầu tôi được biết đến Holi là vào năm 2006 với một ấn tượng cực mạnh làm cho tôi không thể nào quên. Sáng ấy tôi vừa đứng bấm chuông ở cổng nhà gia đình Shakya mà tôi vừa mới quen chừng 6 tháng thì một thùng nước lạnh từ trên sân thượng đổ ụp xuống. Vừa lạnh (vừa hết mùa Đông) vừa quê, vừa tức (vì bị chơi khăm) tôi ngoác miệng nhìn lên định chửi thề (bằng tiếng Việt để người Nepal không biết) thì bị chặn lại bằng một tràng cười vui nhộn của cả đám trẻ con gần chục đứa của nhà Shakya. Bọn nhóc la ầm lên “Holi... Holi...” rất phấn khích.